Gang thép Thái Nguyên có tỷ lệ nợ/tổng tài sản cao nhất, tới 81,4%, xếp ngay sau là Hoa Sen. Không những có hệ số nợ cao, Hoa Sen cũng có nợ phải trả, nợ vay tài chính chỉ sau Hòa Phát.
Tình hình nợ của các doanh nghiệp thép đang niêm yết tính đến hết quý III/2018
Hầu hết các doanh nghiệp thép đang niêm yết đều đang phải gánh những khoản nợ cả nghìn tỷ thậm chí vài chục nghìn tỷ đồng. Hệ số nợ (tỷ lệ nợ/tổng tài sản) ở mức khá cao, trung bình trên 60%.
Tính đến hết quý III, CTCP Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) có tỷ lệ nợ/tổng tài sản cao nhất, lên tới 81,4%, xếp ngay sau là CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group – mã HSG) với 75,7%. Không những có hệ số nợ cao, Tập đoàn Hoa Sen cũng có nợ phải trả và nợ vay tài chính cao thứ 2 chỉ sau CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG).
Nợ tăng nhanh, gánh nặng lãi vay “chèn ép” kết quả kinh doanh
Thực tế, số nợ của các doanh nghiệp thép đặc biệt là hai “ông lớn” Hoa Sen và Hòa Phát đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua. Nợ gia tăng kéo theo áp lực lãi vay cũng ảnh hưởng ít nhiều tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Điển hình như Hoa Sen, tính đến ngày 30/9/2018, nợ vay của Hoa Sen tiếp tục tăng lên 14.342 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn tăng từ 9.015 tỷ lên 10.880 tỷ, dư nợ vay dài hạn tăng từ 2.836 lên 3.462 tỷ đồng. Chi phí lãi vay cũng theo đó tiếp tục tăng từ 152 tỷ đồng lên 234 tỷ đồng.
Gánh nặng lãi vay cùng giá vốn tăng cao khiến kết quả kinh doanh của Hoa Sen không mấy khả quan, khi kết quả quý cuối niên độ 2017-2018 ghi nhận lỗ đến 102 tỷ đồng. Lũy kế cả niên độ, Hoa Sen chỉ còn lãi 410 sau thuế, giảm hơn 3 lần so với thực hiện niên độ trước đó.
Trong khi đó, nợ phải trả của Hòa Phát so với đầu năm cũng tăng hơn tới 10.444 tỷ đồng chủ yếu do tăng nợ vay tài chính từ 12.980 tỷ đồng lên 22.035 tỷ đồng tính đến hết tháng 9. Tốc độ gia tăng nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng trưởng tổng tài sản khiến hệ số nợ cả Hòa Phát cũng tăng từ 38,9% lên 44,3%.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2018 của Hòa Phát vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III đạt lần lượt 14.394 tỷ đồng và 2.408 tỷ đồng, đều tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, HPG đã đạt 41.988 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ năm trước.
Làm gì với số nợ “khổng lồ”?
Đối với Hòa Phát, nhìn lại báo cáo tài chính 03 năm trở lại đây có thể thấy, nợ phải trả cũng như nợ vay tài chính đã tăng đáng kể sau khi quyết định đầu tư Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất thời điểm tháng 02/2017.
Ghi nhận trên báo cáo tài chính quý III/2018, tính đến hết 30/09, Hòa Phát có 22.914 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang trong đó nằm tại dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất lên tới 19.803 tỷ đồng.
Thực tế, nợ vay tài chính ngắn hạn của Hòa Phát chỉ tăng 1.695 tỷ đồng vay ngắn hạn nhưng tăng tới 7.651 tỷ đồng vay dài hạn. Có thể thấy Hòa Phát sử dụng phần lớn nợ vay của mình để đầu tư Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất khi lưu chuyển tiền tệ hoạt động đầu tư 9 tháng ghi nhận âm 15.039 tỷ đồng đặc biệt tiền chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định và tài sản dài hạn khác lên tới 19.840 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu của Hòa Phát chỉ tăng 6.636 tỷ đồng so với đầu năm.
Trường hợp của Hoa Sen, trong 14.342 tỷ đồng nợ vay tài chính, nợ vay ngắn hạn chiếm tới 76% với 10.880 tỷ đồng. So với niên độ trước, nợ vay dài hạn chỉ tăng 626 tỷ đồng trong khi nợ vay ngắn hạn tăng 1.865 tỷ đồng.
Trong khi đó, tài sản ngắn hạn của Hoa Sen lại ghi nhận giảm 1.980 tỷ đồng so với đầu kỳ. Đáng chú ý, tài sản cố định là khoản mục tăng mạnh nhất trong cơ cấu tài sản với 1.364 tỷ đồng. Điều này dẫn đến mất cân đối tài chính khi tài sản ngắn hạn ghi nhận trên báo cáo tài chính thời điểm kết thúc niên độ 2017 – 2018 thấp hơn 1.631 tỷ đồng so với nợ ngắn hạn. Có thể, Hoa Sen đang sử dụng một phần nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn của doanh nghiệp.
Nguồn tin: Bizlive