Kết thúc 9 tháng đầu năm, CTCP Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) có hệ số nợ lên tới 79,4%; Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) với 53,2%; CTCP thép Nam Kinh (NKG) với 63%; ...
Lãi vẫn tăng
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép các loại được sản xuất trong tháng 9/2020 đạt hơn 2,39 triệu tấn, tăng 1,97% so với tháng trước và tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn sản lượng thép tiêu thụ đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 2,9% so với tháng 8/2020 và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, sau nửa đầu năm kinh doanh chật vật, sản lượng bán ra giảm so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiêu thụ các mặt hàng thép trong quý 3/2020 phục hồi, tăng trưởng so với 2 quý đầu năm và cùng kỳ năm 2019. Với diễn biến tích cực từ thị trường, nhiều doanh nghiệp ngành thép ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Cụ thể, doanh nghiệp đầu ngành thép Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, chỉ riêng trong tháng 9, sản lượng sản xuất thép thô của Công ty đạt 575.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay, tăng 19% so với tháng 8/2020 và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 65.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 40%, lợi nhuận ròng đạt 8.845 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2019.
Một doanh nghiệp lớn khác báo lãi tăng trưởng mạnh là Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG). Công ty này ước lợi nhuận sau thuế niên độ tài chính 2019 - 2020 (từ ngày 1/7 đến ngày 30/9/2020) đạt 400 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ niên độ trước. Sản lượng tiêu thụ và doanh thu quý vừa qua cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 46% và 31%, trong khi các quý trước giảm.
Một doanh nghiệp chuyên về thương mại kinh doanh sắt thép khác là Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (mã: SMC) cũng ghi nhận lợi nhuận ròng quý 3/2020 tăng vọt 183% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 100 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, SMC đạt doanh thu 11.257 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 156 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Bất ngờ với nợ "khủng" của các doanh nghiệp ngành thép
Có một thự tế là phần lớn, các doanh nghiệp thép đang niêm yết đều đang phải gánh những khoản nợ cả nghìn tỷ thậm chí vài chục nghìn tỷ đồng. Hệ số nợ (tỷ lệ nợ/tổng tài sản) trong 9 tháng đầu năm 2020 tại một số doanh nghiệp thép ở mức khá cao, trung bình trên 50%.
Tác giả tổng hợp từ BCTC các doanh nghiệp.
Cụ thể, tính đến hết quý 3/2020, CTCP Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) có hệ số nợ lên tới 79,4%; Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) với 53,2%; CTCP thép Nam Kim (NKG) với 63%; CTCP thương mại SMC với 74%; CTCP ống thép Việt Đức (VGS) với 62% và cao nhất tại CTCP thép Việt Ý (VIS) có hệ số nợ lên tới 82%.
Không chỉ có hệ số nợ cao, một số doanh nghiệp ngành thép còn có nợ vay tài chính ở mức cao.
Chẳng hạn, kết thúc 9 tháng đầu năm, nợ vay tài chính của VIS ở mức 1.903 tỷ đồng và nợ phải trả cũng đang ở mức 2.267 tỷ đồng. Hay tại HSG, nợ vay tài chính và nợ phải trả lần lượt đạt 8.186 tỷ đồng, 11.173 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại VIS.
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính quý 3/2020, HPG không công khai nợ vay tài chính nên con số này vẫn là một bí mật. Tuy nhiên, nợ phải trả tính đến hết quý 3/2020 tại HPG tăng 16% so với đầu năm, ghi nhận 62.485 tỷ đồng.
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ BCTC một số doanh nghiệp ngành thép.
Nguồn tin: Sở hữu trí tuệ