Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nới biên độ tỷ giá thêm 1%, doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng

Việc nới biên độ tỷ giá giữa VND và USD từ 1% lên 2% nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng mức tăng trên vẫn chưa “thấm”.

Trước ảnh hưởng của nhân dân tệ phá giá, để đảm bảo khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá USD/VND từ +/-1% lên +/-2%. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VND/USD, biên độ tỷ giá mới sẽ cho phép tỷ giá biến động trong phạm vi mức tỷ giá trần là 22.106 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.

Tuy nhiên, trao đổi với Vinanet, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam cho rằng, sự điều chỉnh biên độ tỷ giá lên 1% không giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc.

Trong vòng 1 năm qua giá trị đồng USD tăng cao rất nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới. Cụ thể, tăng 15% so với bảng Anh, 18% so với Euro, 22% so với Yên Nhật Bản, 20% so với đô la Úc, là những quốc gia Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh với Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào quốc gia trên như Ấn Độ mất giá 22% so với đồng USD, đồng tiền Indonesia cũng mất giá tương tự, đồng bath Thái Lan cũng mất giá 16-17%.

"Việc điều chỉnh tỷ giá đối với các quốc gia là trụ cột trong chính sách tiền tệ nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu. Chẳng hạn đối với Trung Quốc, một quốc gia tài trợ cho ngành nông nghiệp nhiều nhưng vẫn phá giá nhân dân tệ để tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu", ông Lĩnh phân tích.

“1% nới room lúc này không giải quyết vấn đề gì. Đặc biệt đối với ngành nông lâm thủy sản thì nới 1% không thấm vào đâu so với giá thủy sản giảm suốt 6 tháng qua. Đây không phải là chính sách kịp thời mà là quá bị động. Ngân hàng Nhà nước chủ động nghiên cứu, mở đường cho doanh nghiệp phát triển, tránh trường hợp làm theo các nước khác, họ thổi còi rồi chạy theo”, ông Lĩnh nói.

Cũng theo ông Lĩnh, nới room 1% hay 2% không phải là vấn đề, mà vấn đề là xác định nới lúc nào, bao nhiêu % thì kích thích nền kinh tế phát triển trong mối tương quan giữa các quốc gia mà USD vẫn là yếu tố chủ chốt trong thanh toán.

Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam, phá giá đồng nhân dân tệ giúp Trung Quốc xuất khẩu dễ dàng hơn vào Việt Nam. Trong khi, nếu tiền đồng vẫn giữ nguyên sẽ gây khó khăn lớn cho ngành xuất khẩu cá.

Đồng chia sẻ, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nhiều năm nay Việt Nam nhập khẩu thép từ Trung Quốc rất nhiều, chiếm 50% số thép nhập khẩu. Thép Trung Quốc có ưu thế giá thấp và bây giờ đồng NDT phá giá thì tính cạnh tranh của thép Trung Quốc càng cao, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần phải tính toán lại tỷ giá để đem lại lợi ích cho xuất khẩu Việt Nam.

“Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh lại tỷ giá, mức độ như thế nào cần tính toán xem xét cả mối quan hệ giữa đồng tiền Việt Nam với đô la Mỹ, yên Nhật. Đây là bài toán đòi hỏi có sự cân nhắc kỹ lưỡng, cần phải có sự thay đổi để thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên đến từ Chương trình giảng dạy Fulbright: "Trung Quốc đã phá giá lên đến 3,5%, Đài loan cũng đã điều chỉnh lên 3%. Đến giờ không có lí do gì để biện hộ cho việc không điều chỉnh tỷ giá. Vấn đề mấu chốt là thời điểm, chúng ta không chịu điều chỉnh vào những thời điểm thuận buồm xuôi gió, mà toàn chọn những thời điểm khó khăn để làm. Việc điều chỉnh đương nhiên phải làm, trước hay sau sẽ phải điều chỉnh".

Nguồn tin: Stockbiz

ĐỌC THÊM