Ngày 19/7 vừa qua, Dự án Nhà máy Cán thép Thái Trung công suất 500.000 tấn chính thức khởi công tại Thái Nguyên sau khi đã ký hợp đồng tổng thầu EPC trước đó với nhà thầu Danieli.
Đáng nói là dự án này không nằm trong quy hoạch phát triển ngành thép đã được phê duyệt tại Quyết định 145/2007/QĐ-TTg, thậm chí còn không được liệt kê trong cả danh sách 32 dự án ngoài quy hoạch mà Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ vào đầu năm 2009.
Trước đó hồi tháng 1/2009, báo cáo của Bộ Công thương gửi Chính phủ sau khi kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015 cho thấy, có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong số đó, có 3 dự án là Liên hợp thép của Tập đoàn Formosa tại Hà Tĩnh, Liên hợp thép của liên doanh Lions -Vinashin tại Ninh Thuận và Nhà máy China Sumiki Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ cho phép
đầu tư cùng 5 dự án quy mô vừa được Bộ Công Thương có ý kiến thoả thuận. Tức là 24 dự án còn lại nằm ngoài quy hoạch hoàn toàn và được địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không cần căn cứ vào Quy hoạch và các quy định liên quan hiện hành.
Tuy nhiên, với thực tế khởi công của dự án thép Thái Trung mà một trong ba cổ đông chính là Tổng công ty Thép Việt Nam - doanh nghiệp nhà nước được coi là xương sống trong lĩnh vực thép, với tỷ lệ góp vốn dưới 30% đã cho thấy ngành thép vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Thậm chí, ngay cả khi năm 2008, các doanh nghiệp ngành thép liên tục kêu ca về các khoản thua lỗ, đình đốn sản xuất và phải dừng sản xuất từng phần.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là không chỉ có một mình Công ty cổ phần Thái Trung đầu tư vào thép trong giai đoạn này. Nhiều địa phương và thậm chí là tự doanh nghiệp đang có những đề nghị tới Bộ Công thương về việc bổ sung thêm các dự án thép mới vào quy hoạch sau khi Bộ này đề nghị các UBND địa phương tiến hành rà soát và đề nghị bổ sung thêm các dự án đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Có những địa phương như tỉnh Đắc Nông, dù không có lợi thế cảng biển hay quặng sắt lẫn cơ sở hạ tầng để phát triển ngành thép cũng đề nghị bổ sung một dự án cán thép quy mô tới 500.000 tấn/năm vào quy hoạch của ngành thép. Hoặc địa phương được xem là "bội thực" với các dự án thép vì quá nhiều như Bà Rịa - Vũng Tàu thì cũng có một công ty cổ phần tự đề nghị cơ quan chức năng bổ sung dự án thép quy mô 2 triệu tấn/năm của mình vào danh mục quy hoạch.
Với yêu cầu "bổ sung thêm các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và có khả năng thực hiện, nhưng chưa có tên trong phụ lục" của Bộ Công thương ngày 26/5/2009, đang có thêm nhiều dự án mới được các địa phương đưa ra, không hề trùng với 32 dự án thép ngoài quy hoạch được thống kê.
Đáng chú ý hơn là nhiều dự án thép mới đang được các địa phương đề xuất cập nhập vào Quy hoạch lại chỉ thuần túy chỉ sản xuất thép xây dựng và dựa trên nguồn phôi nhập khẩu để cán. Cần nói thêm là, chỉ sang năm 2010, năng lực sản xuất thép xây dựng của các nhà máy đã và chuẩn bị hoạt động đạt 7 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu về mặt hàng này ở trong nước chỉ vào khoảng 4 triệu tấn/năm, còn xuất khẩu chưa nhìn thấy triển vọng.
Thực tế này cũng cho thấy, dường như các địa phương và doanh nghiệp không hề lưu tâm gì tới Công văn 1708/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh ngay công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép tại địa phương; đồng thời tạm dừng việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép xây dựng thông thường.
(Đầu Tư)