Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nỗi lo của ngành thép xuất phát từ nội tại không đủ vững vàng

Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (RongViet Research) cho rằng, nếu VCUFTA sớm được ký kết và thuế suất 0% được áp dụng ngay lập tức thì các doanh nghiệp thép trong nước sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn.

Gần đây, thông tin về việc Việt Nam sắp ký kết thành công Hiệp định thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA) đã dấy lên mối lo đối với ngành thép trong nước. Cụ thể, nội dung của bản chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ 7 (dự kiến sẽ diễn ra từ 15-19/09 tại Nga) cho biết Việt Nam sẽ cắt giảm thuế suất của các mặt hàng thép về mức 0% từ đầu năm 2015. Trước tình trạng dư cung của ngành, đầu tháng 4, Bộ Tài chính đã nâng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép lên mức từ 8%-15%. Như vậy, nếu VCUFTA sớm được ký kết và thuế suất 0% được áp dụng ngay lập tức thì các doanh nghiệp thép trong nước sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn.

Theo tìm hiểu của chuyên viên ngành của RongViet Research, trong liên minh thuế quan trên thì chỉ có Nga có tổng sản lượng thép đứng thứ 5 toàn cầu trong năm 2013 (69,4 triệu tấn) và cách khá xa người khổng lồ Trung Quốc (779 triệu tấn). Tương tự như các nước phát triển, ngành thép của Nga đang đối mặt với tình trạng dư cung với nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp hơn 70% tổng công suất, do đó, hiệu suất hoạt động của ngành khá thấp (<75%). Theo Bloomberg, các doanh nghiệp thép tại Nga có tỷ suất lợi nhuận gộp khá cao, dao động từ 20-42% và đa số đều cao hơn mức tỷ suất lợi nhuận gộp của HPG - doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất của ngành thép Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, do tình trạng dư cung nên các doanh nghiệp này có tỷ suất ROA và ROE khá thấp, thậm chí hoạt động thua lỗ. Như vậy, VCUFTA có thể được coi là một trong những cách giúp các doanh nghiệp thép tại Nga giảm bớt khó khăn. Mặc dù vậy, RongViet Research cũng lưu ý thêm rằng hiện tại, tỷ trọng xuất khẩu thép từ Nga sang Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng xuất khẩu của nước này. Trong năm 2013, các thị trường xuất khẩu lớn của Nga là gồm có Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Đài Loan, Mỹ, Belarus…, trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu khoảng 100 triệu USD sản phẩm thép các loại từ Nga, chỉ chiếm 0,92% giá trị nhập khẩu thép của cả năm.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, với lợi thế về giá thành và nếu VCUFTA được thông qua, sản phẩm thép Nga sẽ nhanh chóng gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. RongViet Research nghĩ rằng có hai khía cạnh cần xem xét ở đây là mức độ xâm nhập của thép Nga vào thị trường Việt Nam và liệu có lộ trình nào đối với thuế NK vì VCUFTA vẫn đang trong quá trình đàm phán. Nhìn chung, RongViet Research không quá bi quan về thông tin trên, quan điểm từ trước của RongViet Research về ngành thép là những doanh nghiệp có lợi thế về giá thành và vốn thì sẽ có khả năng cạnh tranh, còn lại sẽ dần bị đào thải cho dù có VCUFTA hay không. RongViet Research đánh giá HPG đang là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có khả năng chịu được sức ép cạnh tranh đang ngày một gia tăng.

Nguồn tin: NDH

ĐỌC THÊM