Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nỗi sợ chiến tranh thương mại phủ bóng đen lên kinh tế toàn cầu

 Chỉ cách đây ít tháng, kinh tế toàn cầu vẫn đang sôi động và tất cả các nước lớn đều cùng tăng trưởng. Giờ đây, triển vọng tăng trưởng của thế giới đang bị đe dọa bởi cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ phát động.


Container tập kết ở cảng nước sâu Dương Sơn tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo The New York Times, thương mại toàn cầu đang bị xáo trộn và phát ra những tín hiệu trì trệ sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhằm vào hàng hóa của các đồng minh cũng như đối thủ, khơi mào cho hành động trả đũa rộng khắp trên thế giới.

Cuối tuần trước, Tổng thống Trump leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu đợt đầu 25% trên 34 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ từ ngày 6-7 tới. Hôm 18-6, nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc, ông Trump yêu cầu Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ soạn một danh sách hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có trị giá 200 tỉ đô la mỗi năm để áp thuế nhập khẩu 10%. Trung Quốc đã nhanh chóng tuyên bố sẽ áp thuế đáp trả hàng hóa Mỹ với mức độ tương ứng.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa chậm lại

Xung đột thương mại lan rộng khiến các hoạt động vận chuyển hàng hóa đình trệ tại các cảng biển và các nhà ga hàng hóa tại các sân bay khắp nơi trên thế giới. Giá của các nguyên liệu thô quan trọng cũng tăng đang lên do nguồn cung bị chậm trễ.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), sau hai năm tăng trưởng, lưu lượng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không trên toàn cầu đi ngang trong ba tháng đầu năm nay. Riêng tại châu Âu và châu Á, lưu lượng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không giảm rõ rệt.

Chỉ số vận chuyển container RWI/ISL bằng đường biển không tăng trưởng kể từ mùa thu năm ngoái. Chỉ số này được xây dựng dựa vào dữ liệu từ 82 cảng quốc tế, xử lý hơn 60% lượng container hàng hóa của thế giới.

Một chỉ số đo lường thương mại thế giới, do công ty tư vấn Oxford Economics ở London thiết kế, gần đây xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017.

Dù phần lớn các biện pháp áp thuế nhằm vào hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có hiệu lực, các doanh nghiệp đã cảm nhận được các hậu quả của chúng bao gồm các mối de dọa nguồn cung, nỗi bất an về các điều khoản thương mại và nỗi sợ về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

“Chỉ cần bàn luận về chủ nghĩa bảo hộ cũng đã gây ra khó khăn. Đó là một rủi ro đang hiện hữu đối với nền kinh tế thế giới”, Marie Owens Thomsen, nhà kinh tế trưởng toàn cầu ở công ty quản lý Indosuez Wealth Management ở Geneva, Thụy Sĩ, nói.

Tại các nhà máy từ Đức đến Mexico, các đơn hàng đang bị cắt giảm và các hoạt động đầu tư bị trì hoãn. Nông dân Mỹ cũng đang bị thiệt hại vì các đối tác thương mại của Mỹ như Canada, Mexico đang áp thuế nhằm vào hàng hóa nông nghiệp Mỹ để đáp trả động thái áp thuế thép và nhôm của Mỹ.

Đối với các công ty sản xuất thép và nhôm ở Canada, các biện pháp áp thuế của Mỹ thách thức trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của họ. Thuế thuế thép và nhôm của Mỹ khiến công ty thép AltaSteel ở Edmonton, Canada, lâm vào khủng khoảng vì 20% doanh thu của công ty này đến từ hoạt động xuất khẩu cho các khách hàng Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ lĩnh đòn

Ông Trump cho rằng gây hấn thương mại là cần thiết để điều chỉnh các mức thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước khác. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nhập khẩu là các thành phần cần thiết để sản xuất hàng hóa tại các nhà máy ở Mỹ. Đối với các khách hàng nhập khẩu thép và nhôm ở Mỹ, biện pháp áp thuế của Mỹ đã làm tăng chi phí, khiến họ không dám mở rộng đầu tư.

Electrolux, nhà sản xuất thiết bị gia dụng Thụy Điển, gần đây đã hoãn kế hoạch nâng cấp một nhà máy ở bang Tennessee, Mỹ vì các bất ổn do thuế thép và nhôm tạo ra.

Matt Bush, Phó chủ tịch của một công ty chuyên sản xuất các kết cấu sử dụng trong các cao ốc văn phòng và khu mua sắm ở bang Texas, cho biết thuế thép đã khiến công ty ông tốn thêm 50.000 đô la mỗi tháng.

Tại Mexico, nỗi lo lắng về thương mại đeo bám dai dẳng kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống vì ông đe dọa xé bỏ Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và lên kế hoạch xây dựng tường biên giới với Mexico để ngăn chặn nạn nhập cư lậu. Người dân Mexico đang khổ sở vì đồng peso giảm giá mạnh so với đồng đô la, khiến giá cả hàng hóa từ Mỹ tăng lên.

“Tổng thống Trump đang đẩy chúng tôi vào tình cảnh phá sản”, Gustavo Ferreyra Olivares, chủ một gian hàng bán trái cây ở một khu chợ tại thành phố Mexico, cho biết.

Ông cho biết giá các loại táo nhập khẩu từ Mỹ đang tăng sau khi chính phủ Mexico quyết định áp thuế 20% đối với mặt hàng này để đáp trả thuế thép và nhôm của Mỹ. Giá táo Mỹ cao, khiến ông Olivares khó kinh doanh hơn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng những nông dân trồng táo của Mỹ cũng bị thiệt hại lớn vì doanh thu xuất khẩu sang Mexico giảm. Hôm 19-6, Hiệp hội táo Mỹ đã phát quảng cáo trên các kênh truyền hình Mỹ, kêu gọi ông Trump dừng chiến tranh thương mại vì các hành động trả đũa của các đối tác nước ngoài đang gây thiệt hại cho các nông dân trồng táo Mỹ.

Các thị trường hàng hóa toàn cầu cũng đang chật vật trước các tác động của xung đột thương mại, đặc biệt khi Trung Quốc đang tìm kiếm các sự lựa chọn thay thế các nhà cung cấp Mỹ.

Sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% đối 34 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm, Trung Quốc đáp trả bằng việc áp thuế nhiều mặt hàng nông nghiệp Mỹ bao gồm đậu nành. Trong lúc đó, các công ty chăn nuôi heo ở Trung Quốc đang chuyển sang Brazil và Argentina để tìm kiếm nguồn cung đậu nành làm thức ăn cho heo.

Năm ngoái, nông dân Mỹ bán đậu nành sang Trung Quốc với kim ngạch lên đến 14 tỉ đô la. Bill Shipley, Chủ tịch Hiệp hội đầu nành bang Iowa lo ngại hành động trả đũa của Trung Quốc sẽ gây ra những tác động tài chính lớn cho các nông dân sản xuất đậu nành ở bang này.

Nhà kinh tế học Chad Hart ở Đại học bang Iowa cho biết các nông dân ở Iowa, một trong những bang sản xuất đậu nành lớn của Mỹ, có thể mất doanh thu lên đến 624 triệu đô la nếu mất các khách hàng Trung Quốc. Giá đậu nành trên thị trường tương lai ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong chín năm qua trước những lo ngại về chiến tranh thương mại.

Kinh tế toàn cầu đối mặt viễn cảnh u ám

Các đòn áp thuế của ông Trump có thể chỉ là một chiến thuật đàm phán dựa vào đe dọa gây thiệt hại kinh tế cho nước khác, nhằm buộc họ phải ký các thỏa thuận có lợi cho Mỹ hơn là một động thái để dấn thẳng vào một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.

Mỹ dường như được che chắn tốt hơn hầu hết các nước khác trước hậu quả của các cuộc đối đầu thương mại. Là một nền kinh tế lớn nhất thế giới và đang ở trong tình trạng tương đối vững mạnh, Mỹ có thể tìm kiếm khách hàng trong nước để tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ khi các cơ hội xuất khẩu bị thu hẹp.

Cho dù vậy, lịch sử đã chứng minh rằng chiến tranh thương mại sẽ gây ra thiệt hại lớn cho các bên, đồng thời làm gia tăng rủi ro xung đột lan rộng. Giới quan sát đang lo ngại một cuộc bùng nổ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào viễn cảnh u ám.

Các mối dọa thương mại toàn cầu xuất hiện khi nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với các thách thức lớn khác. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và tái trừng phát nước này, khiến giá dầu tăng và gây sức ép cho nhiều nước nhập khẩu dầu trên thế giới. Kinh tế châu Âu đang suy yếu và Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đặc biệt dễ bị tổn thương trước các xung đột thương mại. Các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu đã quyết định rút lại chính sách nới lỏng tiền tệ, khiến chi phí vay gia tăng.

Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu hơn 600 tỉ đô la hàng hóa và dịch vụ từ Canada và Mexico, hai đối tác của Mỹ trong Hiệp định NAFTA mà Mỹ đang đe dọa xé bỏ. Mỹ cũng mua 500 tỉ đô hàng hóa từ Trung Quốc và 450 tỉ đô la hàng hóa từ EU. Tất cả các đối tác này chiếm gần 2/3 giá trị nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.

“Nếu bạn làm gián đoạn nghiêm trọng bất cứ hoạt động thương mại nào với một trong những đối tác này, bạn sẽ lĩnh hậu quả”, Adam Slater, nhà kinh tế ở Oxford Economics, nói.

Nguồn tin: Kinh tế Sài gòn

ĐỌC THÊM