Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nói và làm: Trần lãi suất có cũng như không

Các ngân hàng cứ âm thầm và tìm đủ mọi cách để đẩy lãi suất qua 14%, lên 15%, rồi 16% và đến nay có những ngân hàng đã huy động ở mức 18 - 19%.

Trong cuộc chiến chống lạm phát và ổn định vĩ mô, tiền tệ luôn có một vị trí quan trọng bậc nhất. Ngay từ đầu, cơ quan quản lý đã triển khai các biện pháp nhằm thắt chặt tiền tệ và bình ổn thị trường một cách rất quyết liệt.

Trong đó, lãi suất luôn là một yếu tố được quan tâm hàng đầu, có liên quan trực tiếp đến sự ổn định của thị trường và hiệu quả của chính sách tiền tệ. Bởi vậy, trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn ý thức, sử dụng lãi suất như là một trong những công cụ quan trọng nhất để điều tiết thị trường, nhằm đạt các mục tiêu đề ra.

Trước tình hình lạm phát lên cao, thị trường có nhiều biến động khiến lãi suất có dấu hiệu tăng cao vượt qua những mức rào mà chính các ngân hàng thỏa thuận.

Để ngăn chặn việc đẩy lãi suất lên quá cao, gây bất lợi cho nền kinh tế và khó khăn trong công tác điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư khống chế trần lãi suất ở 14% và cảnh báo, những ngân hàng nào vượt trần sẽ bị xử lý mạnh tay.

Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác khi các ngân hàng luôn tìm cách lách để phá rào; còn cơ quan quản lý lại tỏ khó khăn trong việc kiểm tra và xử lý.

Cách đây hơn 1 tháng, khi các chính sách tiền tệ bắt đầu thắt chặt, đã có những dấu hiệu và thông tin phản ánh về việc các ngân hàng phá trần lãi suất, đẩy lãi suất lên mức trên 14%...

Các ngân hàng luôn tìm cách lách để phá rào.

Ngân hàng Nhà nước đã lập tức tỏ thái độ kiên quyết khi triển khai kiểm tra trên diện rộng để tìm kiếm các bằng chứng vi phạm để xử lý. Kết quả cuối cùng được tuyên bố là không có ngân hàng huy động vượt trần bị phát hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc huy động vượt trần không những không dừng lại mà ngày càng mở rộng về phạm vi và gia tăng về mức độ lãi suất. Các ngân hàng cứ âm thầm và tìm đủ mọi cách để đẩy lãi suất qua 14%, lên 15, rồi 16 và đến nay có những ngân hàng đã huy động ở mức 18 - 19%.

Đây gần như là một thực tế mà ai cũng biết nhưng không ai công khai. Và bằng nhiều cách để cách để lách, các ngân hàng hoàn toàn hợp thức hóa việc tăng lãi suất của mình bằng những hợp đồng đúng với quy định với trần lãi suất tối đa 14%, còn các khoản vượt trội sẽ được chi trả trực tiếp tiền mặt bằng các hình thức thưởng, quà...

Và như thế, dù có đi kiểm tra thì cơ quan quản lý vẫn khó có thể phát hiện các sai phạm. Vì tất cả các hồ sơ đều làm đúng, các ngân hàng hoàn toàn chấp hành tốt quy định. Có lẽ vì thế, mà lần này dù tình hình vượt trần lãi suất diễn ra phổ biến và trầm trọng hơn nhưng cơ quan quản lý còn lúng túng và không còn quyết liệt trong việc kiểm tra xử lý.

Được thể, các ngân hàng cứ làm tới, từ một vài ngân hàng nhỏ, phong trào phá trần lãi suất đã trở nên phổ biến ở tất cả. Thậm chí, các ngân hàng còn cạnh tranh nhau bằng cách phá càng mạnh, càng sâu càng hút khách.

Trần lãi suất vốn trước đây là sự thỏa thuận của các ngân hàng thông qua Hiệp hội Ngân hàng. Tuy nhiên, do sự thỏa thuận mang tính tự nguyện và lỏng lẻo nên lần nào nó cũng bị phá vỡ. Nay thì Ngân hàng Nhà nước đã "luật hóa" trần lãi suất bằng một thông tư nhưng xem ra cũng không có nhiều ý nghĩa. Đối với các ngân hàng, trần lãi suất thực là có cũng như không.

Các ngân hàng phá trần là một vi phạm rõ ràng nhưng thói quen không tôn trọng sự đồng thuận, coi thường các quy định của cơ quan quản lý đã cho thấy sự bất ổn trong hoạt động và quản lý các ngân hàng. Một nguyên nhân quan trọng khiến cho các chính sách kém hiệu quả và thị trường tiền tệ luôn diễn biến khó lường với những hệ quả ngoài dự tính.

Không những thế, sự phá rào để thu lợi cho mình đã cho thấy, trong khi cả nước đang dồn sức để chống lạm phát, ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh hướng tới tăng trưởng ổn định và dài hạn thì dường như các ngân hàng lại đang đi lạc điệu.

Bởi lẽ tăng lãi suất quá cao trước hết cho thấy những yếu kém và khó khăn trong chính hệ thống ngân hàng, làm bất ổn thị trường tiền tệ; tăng lãi suất quá cao khiến sản xuất và kinh doanh của DN khó khăn ảnh hưởng đến phát triển; tăng lãi suất quá cao thậm chí còn khiến cho lạm phát tăng lên khi chi phí và giá cả tăng theo...

Và thật khó để có hiệu quả chống lạm phát và ổn định vĩ được như mong đợi khi khu vực quan trọng, cần phải ổn định đầu tiên để tạo đà ổn định cho cả nền kinh tế lại đang có những bất ổn. Điều đó không chỉ gây ra những tác động xấu trong hiệu quả điều hành kinh tế mà còn làm ảnh hưởng tâm lý, suy giảm niềm tin... Điều đó thật tai hại lâu dài.

Nguồn tin: VEF.VN

ĐỌC THÊM