Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nửa cuối năm 2010: USD có xu hướng tăng

Những diễn biến gần đây trên thị trường ngoại tệ khiến DN gặp nhiều khó khăn trong định hướng kinh doanh. Nhằm tìm hiểu rõ hơn về xu hướng tỷ giá và những giải pháp giúp DN tự chủ đối với biến động tỷ giá trong những tháng cuối năm, báo giới đã có cuộc trao đổi với Ông Lê Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc - Giám đốc Khối Nguồn vốn và ngoại hối của VIB.

 
* Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ông có dự đoán như thế nào về diễn biến tỷ giá trong nửa cuối năm 2010 ?

Ông Lê Quang Trung: Về phân tích cơ bản (fundamental) thì VND tiếp tục bị áp lực giảm giá so với USD trong nửa cuối năm 2010 bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, cán cân thương mại vẫn thiên về
nhập siêu, theo ước tính nhập siêu trong 6 tháng đầu năm có thể lên tới 6,7 tỷ USD, chiếm 20.9% tồng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra 20%.

 

Thứ hai là tình hình xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh do sự phục hồi kinh tế toàn cầu diễn ra phức tạp không như dự đoán. Nếu trong 2009 là khủng hoảng đối với các định chế tài chính ngân hàng thì 2010 lại là vấn đề nợ công. Do vậy, mô hình phục hồi kinh tế toàn cầu chữ V là khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay.

 

Thứ ba, do tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2010 ở mức 20,23%, ước tính khoảng 2 tỷ USD, trong đó DN xuất khấu ứng bán trước khoảng 1,4 tỷ USD và vay thanh toán nhập khẩu ước tính khoảng 600 triệu USD. Do vậy, cung ngoại tệ sẽ giảm và cầu ngoại tệ lại tăng trong 6 tháng cuối năm với con số tương ứng.

Tuy nhiên, tình hình giải ngân FDI tăng trưởng khá tốt, tổng mức giải ngân 6 tháng đạt gần 5,4 tỷ USD tăng 6,00% cùng kỳ năm ngoái và xuất khẩu vàng đạt gần 1,34 tỷ USD, sẽ làm giảm một phần áp lực lên nội tệ trong ngắn hạn. Tính đến thời điểm này, VND mất giá khoảng 2,3% trong 6 tháng đầu năm và hiện đang giao dịch mức gần 19.000 đ/USD.     

* Ông vừa nói cầu ngoại tệ lại tăng lên trong 6 tháng cuối năm. Vậy theo ước tính của ông, khả năng cung ứng ngoại tệ cho DN, đặc biệt là dịp cuối năm của các ngân hàng nói chung và VIB nói riêng như thế nào ?


Ông Lê Quang Trung: Thực tại nền kinh tế VN luôn thiếu ngoại tệ do tình trạng nhập siêu kéo dài trong nhiều năm. Thông thường, nguồn ngoại tệ bù đắp cho khoản thiếu hụt này là nguồn kiều hối, FDI, FII và các nguồn vốn giải ngân và thu ngoại tệ khác. Do vậy, khi đề cập đến khả năng cung ứng ngoại tệ cho nhập khẩu trong 6 tháng tới thì chúng ta phải đánh giá xem các nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế có thể duy trì được tốc độ như 6 tháng đầu năm hay không. Nếu các DN không có kế hoạch giãn các khoản thanh toán ra bằng cách mua trước một phần kỳ hạn thì tại một thời điểm nhất định sẽ xảy ra thiếu hụt ngoại tệ.

Tại VIB chúng tôi có lượng khách hàng xuất khẩu truyền thống nên nguồn cung ngoại tệ khá ổn định. Tuy nhiên, khả năng cung ứng ngoại tệ cho DN thì hoàn toàn phụ thuộc vào tính thanh khoản trên thị trường hối đoái trong nước. Đối với các DN nhập khẩu truyền thống của VIB thì VIB luôn có chính sách ưu tiên bán ngoại tệ.

* Trước diễn biến thị trường như vậy, DN rất dễ gặp rủi ro, liệu có những biện pháp nào giảm thiểu rủi ro cho DN, thưa ông ?

Ông Lê Quang Trung: Khu vực nào dễ gặp những rủi ro về vấn đề tỷ giá nhất là các DN hoạt động xuất nhập khẩu, DN vay ngoại tệ và các DN có khoản phải thu và phải trả bằng ngoại tệ. Với các DN này thì doanh thu và chi phí là các loại tiền tệ khác nhau nên yếu tố tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh.  

Ngân hàng VIB hiện đang chào các giải pháp bảo hiểm rủi ro năng động và cung ứng dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp có rủi ro về tỷ giá. Các giải pháp này giúp DN kiểm soát rủi ro với chi phí thấp nhất trong điều kiện tỷ giá biến động ở mức cao hay thấp. Hiện tại, NHNN cho phép các NHTM cung ứng nghiệp vụ kỳ hạn lên đến 365 ngày và cung ứng các nghiệp vụ (hoán đổi tiền tệ) Cross Currency Swap để bảo hiểm rủi ro dài hạn cho các khoản nợ vay có với kỳ hạn tối đa bằng với kỳ hạn khoản nợ vay.  

* Các DN VN hiện chưa có thói quen sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Ông có lời khuyên gì cho DN để có thể sử dụng tốt nhất công cụ này ?

Ông Lê Quang Trung: Các DN VN hiện chưa có thói quen sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá do 3 yếu tố chính: Thứ nhất là do chính sách tỷ giá của ta là neo VND vào giá trị rổ tiền tệ trong đó USD chiếm tỷ trọng lớn và giao dịch trong biên độ xác định, nên hầu hết các DN chấp nhận rủi ro của các cơ quan điều hành tỷ giá thay vì mình chủ động. Thứ hai là do hệ thống kế toán VN cũng có khá nhiều bất cập trong việc hạch toán các giao dịch bảo hiểm rủi ro. Do các giao dịch này đều nằm ở ngoại bảng và chỉ được kết chuyển vào kết quả kinh doanh vào ngày đáo hạn. Và cuối cùng là do môi trường pháp lý chưa hoàn thiện nên các DN rất ngại khi sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro tài chính.    

Tình hình biến động lãi suất và tỷ giá hết sức phức tạp trong những  năm gần đây và tính cạnh tranh ngày càng tăng do VN hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Do vậy, tôi khuyến nghị các DN nên thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm để giảm bớt rủi ro tài chính, đảm bảo mức lãi biên của hoạt động và nên dành nhiều thời gian vào các hoạt động kinh doanh chính của mình. Tôi ví dụ, các DN Nhật Bản hoạt động đa quốc gia về sản xuất hàng xuất khẩu thì chính sách bảo hiểm rủi ro tỷ giá của họ là phải sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá (nghiệp vụ kỳ hạn hay là option) cho tối thiểu 70% dòng tiền. Như vậy, họ không lo lắng nhiều về biến động tỷ giá và dành được nhiều thời gian cho các hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển), chất lượng sản phẩm và quản trị DN. Tôi nghĩ các DN của ta cũng nên nghiên cứu mô hình quản trị rủi ro của họ.  


* Xin cảm  ơn ông !

InfoTV

ĐỌC THÊM