Sự chèn ép của thép ngoại lúc này, ở khía cạnh nào đó, là một cảnh tỉnh đáng mừng. Không thể nuôi dưỡng ngành thép Việt như “đứa trẻ được nuông chiều”.
“Thép nội đang bị thép ngoại chèn ép trên thị trường nội địa”, trong báo cáo của Bộ Công Thương tháng 10/2014 đã nhấn mạnh ý này. Báo cáo cũng cho hay, thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào khiến DN phải giảm sản lượng, sản xuất cầm chừng, một vài DN đóng cửa, nhiều DN chỉ sản xuất 40-50% công suất, làm tăng chi phí cố định trên mỗi tấn sản phẩm, giá càng khó cạnh tranh...
Đó cũng là lý do mà cách đây không lâu, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường giám sát sản phẩm thép Trung Quốc sau thông quan. Bộ Công Thương lại đề nghị Chính phủ hỗ trợ DN ngành thép xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại. Theo quan điểm này, đầu tháng 4 năm nay, Bộ Tài chính đã nâng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép lên mức từ 8-15%... Nhưng, lý do của chính sách bảo hộ là bởi “ngành thép nội địa còn non trẻ” mà phía Bộ Công Thương đưa ra dường như chưa thuyết phục.
Cách đây 20 năm, những nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản... đã mang các công nghệ cán thép nguội sang Việt Nam. Nhiều DNNN cũng đầu tư chỉ để thực hiện một công đoạn duy nhất: mua phôi thép về, nung nóng rồi kéo sợi. Trong mô hình “nhà máy sản xuất thép” này, DN nhập khẩu dây chuyền đã qua sử dụng nên suất đầu tư khá cao. Nhưng vì được bảo hộ, các DN thép “sống khỏe”, thậm chí đã đôi lần có tiếng ì xèo về chuyện liên kết làm giá trong các DN thép. Môi trường “đóng cửa” để hỗ trợ sản xuất trong nước dường như không làm cho ngành thép bắt kịp thị trường trong xu thế hội nhập như kỳ vọng mà chỉ khuyến khích thêm nhiều DN nhập về các dây chuyền lạc hậu.
Trong khi nhà sản xuất nhập bán thành phẩm thép về gia công thì các công ty khoáng sản gấp rút đào bới để xuất khẩu quặng thép sang Trung Quốc. Các DN không mảy may quan tâm đến công nghệ luyện gang từ quặng thô vì đây là khâu đòi hỏi đầu tư lớn, mà chỉ muốn nhập phôi về cán... cho nhanh. Chính vì vậy, chuỗi sản xuất thép chỉ bắt đầu phần “ngọn”, luôn bị động về giá theo giá nhập phôi. Khi nền kinh tế mở cửa mạnh mẽ, sự cạnh tranh đến mức khốc liệt bắt đầu “tiễn” nhiều DN ra đi hàng loạt, như những năm 2008-2009.
Chỉ một vài “đại gia” ngành thép đã sớm chuyển sang đầu tư dây chuyền sản xuất thép từ quặng thô như Tập đoàn Hòa Phát, hay chuyển sang phân khúc sản phẩm thép không gỉ, thép hình như Việt Đức, Hoa Sen, Hòa Bình... đang tạo nên lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ với hàng ngoại nhập, thậm chí còn xuất khẩu.
Sẽ không thể cố thủ, thoái thác trách nhiệm đứng lên cạnh tranh sòng phẳng với thế giới được thêm nữa. Những cam kết hội nhập không là chuyện đùa bởi nó là uy tín của cả một dân tộc và nền kinh tế. Người đóng thuế cũng không thể bỏ mãi khoản thu nhập còm để trả cho những công trình đầu tư bị đội giá vì thép nội đắt hơn ngoại, chất lượng không bằng.
Vì vậy, sự chèn ép của thép ngoại lúc này, ở khía cạnh nào đó, là một cảnh tỉnh đáng mừng. Không thể nuôi dưỡng ngành thép Việt như “đứa trẻ được nuông chiều”.
Nguồn tin: Ngân hàng