Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nút thắt tài khóa và sức cầu yếu hãm đà tăng trưởng

  Dư địa cho chi đầu tư phát triển, dùng tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 8 tháng cuối năm còn tới 288 nghìn tỷ, bằng 6% GDP năm 2016.

Nút thắt tài khóa và sức cầu yếu hãm đà tăng trưởng

Hết tháng 4/2017, sản xuất công nghiệp vẫn dậm chân tại chỗ với tăng trưởng của chỉ số công nghiệp chỉ đạt 7,4% YoY, thấp nhất trong 3 năm (tháng 4 năm 2015 và 2016 tăng lần lượt: 9,4% và 7,9% cùng kỳ).

Theo nhận định của SSI Retail Research tại báo cáo Vietnam Chartbook tháng 4/2017, nguyên nhân hoạt động công nghiệp giảm sút không chỉ do khai thác dầu khí (sản lượng quý I chỉ ở mức 3 triệu tấn ghi nhận mức giảm mạnh nhất nhiều năm) mà các nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo cũng tăng thấp.

Theo số liệu của EVN, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu 4 tháng cũng chỉ tăng 7,92% trong khi cùng kỳ tăng 13,91%. Với những chỉ báo này, khó có thể lạc quan về tăng trưởng của quý II. Mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7% đang ngày càng khó đạt do sức cầu yếu đang kéo giảm các ngành sản xuất công nghiệp chủ đạo trong khi ngành dầu khí vẫn đang chìm trong khó khăn.

Trong khi đó, vốn đầu tư công tăng trưởng chậm hơn cùng kỳ. Bốn tháng đầu năm tổng giải ngân vốn đầu tư ngân sách mới chỉ đạt 64,4 nghìn tỷ, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi tăng trưởng giải ngân vốn cùng kỳ đạt 11,5%.


Vốn từ giải ngân NSNN và FDI - Nguồn: SSI

Giải ngân tài khóa tăng chậm là do nhiều cơ quan chưa thực hiện phân bổ vốn. Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm vào đầu năm vẫn là yếu tố làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

SSI Retail Research nhận định việc giải ngân tài khóa chậm chạp diễn ra trong bối cảnh nguồn thu ngân sách đang rất ổn định. So với 2016, thu ngân sách tăng 17,8% trong khi chi tăng thấp hơn, 9,8%. Cán cân ngân sách đã không còn thâm hụt mà chuyển sang thặng dư 3,1 nghìn tỷ.

Tổng thu NSNN tháng 4 ước đạt 105,7 nghìn tỷ đưa tổng thu 4 tháng lên 396,4 nghìn tỷ, tăng 17,8% cùng kỳ, hoàn thành 33,4% dự toán năm. Trong khi năm trước, tăng trưởng thu NSNN chỉ là 1,2%. Các nguồn thu chính đều có tăng trưởng khả quan. Thu nội địa đạt 325,9 nghìn tỷ, tăng 15,7% cùng kỳ. Thu từ dầu thô đạt 15,4 nghìn tỷ, tăng 23,4% cùng kỳ. Thu từ xuất nhập khẩu sau khi hoàn thuế VAT đạt 55 nghìn tỷ, tăng 31,3% cùng kỳ. So với cùng kỳ 2016, tốc độ thu ngân sách đã tăng nhanh hơn rất nhiều trong khi chi tăng xấp xỉ bằng một nửa tốc độ tăng thu.


Diễn biến Thu - chi NSNN quý I hàng năm

Đẩy tăng trưởng, tập trung giải pháp tài khóa

Với kết quả tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 5,1% thì theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng trưởng bình quân trong 3 quý cuối năm phải đạt 7,1% . Cụ thể, từng quý mức tăng trưởng là 6,26% (quý II), 7,29% (quý III) và 7,49% (quý IV).

Để đạt được mục tiêu của cả năm, bộ phận phân tích của SSI cho rằng cần phải tập trung vào các giải pháp tài khóa. "Tháo gỡ nút thắt tài khóa cùng với nâng cao hiệu quả và chống thất thoát trong sử dụng vốn ngân sách sẽ tạo ra tăng trưởng cao và bền vững cho thời gian còn lại của năm", báo cáo của SSI Retail Research cho hay.

Theo tính toán của SSI Retail Research, dư địa cho chi đầu tư phát triển, dùng tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 8 tháng cuối năm còn tới 288 nghìn tỷ, bằng 6% GDP năm 2016.

Bên cạnh tài khóa, các giải pháp khơi thông sức cầu tiêu dùng cũng sẽ tạo động lực tăng trưởng tốt. Hai vấn đề mà bộ phận phân tích của SSI chỉ ra đó là ảnh hưởng của việc áp thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dầu nhập khẩu và động lực từ du lịch.

Quý I vừa qua ghi nhận sự hồi phục của thuế GTGT (VAT) và thuế TNDN, hai khoản thu lớn nhất chiếm 44% tổng thu NSNN. Thu từ VAT trong quý 1 đạt 70,7 nghìn tỷ, tăng 16,3% trong khi thuế TNDN đạt 54,2 nghìn tỷ, tăng 5,7%. Cùng kỳ tăng trưởng hai loại thuế này lần lượt 5,1% và âm 11,9%, do chấp nhận hụt thu để kích thích kinh tế thông qua cắt giảm thuế.

Với sự hồi phục của hai loại thuế trên, SSI Retail Research nhận định nhu cầu tăng thêm thuế BVMT đối với xăng dầu không thực sự cần thiết. Do vậy, người tiêu dùng và doanh nghiệp cần được hưởng lợi đầy đủ từ giá dầu giảm để có thể gia tăng chi tiêu và đầu tư, giúp hồi phục sức cầu.

Tăng thuế bảo vệ môi trường nhìn từ góc độ kích cầu

Đối với thu hút khách du lịch, số khách quốc tế mỗi tháng từ đầu năm đến nay đều ở trên con số 1 triệu, đưa tổng lượng khách tính từ đầu năm lên đến 4,2 triệu người, tăng 30,3% cùng kỳ. Việc đạt và vượt mục tiêu 11,5 triệu lượt khách trong năm 2017 là hoàn toàn có thể nếu chúng ta giữ được môi trường ổn định, đặc biệt là trong quan hệ với các quốc gia có lượng khách đông như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật bản, đồng thời thúc đẩy đa dạng hóa nguồn khách quốc tế.

Nguồn tin: NDH

ĐỌC THÊM