Sản phẩm ống thép hàn cacbon của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ có thể phải chịu thuế chống bán phá giá lên đến 113,18%, theo quyết định sơ bộ vừa được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), DOC hôm 1-6 ban hành quyết định sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với ống thép hàn cacbon (Circular Welded Carbon-Quality Steel Pipe - CWP) của bốn nước, gồm Việt Nam, Oman, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Pakistan (sản phẩm của Pakistan cũng đồng thời bị điều tra chống trợ cấp).
Trong đó, đối với Việt Nam, DOC kết luận biên độ phá giá đối với sản phẩm ống thép của ba doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu tham gia trả lời bản câu hỏi và yêu cầu thuế suất riêng rẽ chỉ ở mức tối thiểu (de minimis) là 0% đến 0,38%, còn các doanh nghiệp khác của Việt Nam không tham gia trả lời câu hỏi bị áp mức thuế suất toàn quốc là 113,18% dựa trên các dữ liệu sẵn có. Trong khi đó, DOC kết luận biên độ phá giá của Pakistan là 11,8%, Oman 7,86%, UAE 6,1-7,86%.
Để có quyết định cuối cùng về việc sản phẩm ống thép của Việt Nam có bị áp thuế CBPG hay không, và nếu có thì sẽ bị áp thuế CBPG bao nhiêu, còn tùy thuộc vào quyết định cuối cùng của DOC và phán quyết của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC). Tuy nhiên, trước mắt, căn cứ theo quyết định sơ bộ ở trên, DOC sẽ thông báo cơ quan Hải quan Mỹ thu tiền đặt cọc khi nhập khẩu các sản phẩm ống thép hàn cacbon nhập khẩu từ bốn nước trên theo mức đã được xác định tại kết luận sơ bộ.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, dự kiến DOC sẽ tiếp tục điều tra và ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 16-10-2016, trừ khi thời hạn này được gia hạn thêm. Nếu kết luận cuối cùng của DOC khẳng định tồn tại hành vi bán phá giá của sản phẩm ống thép hàn cacbon từ các nước trên, và ITC cũng kết luận xác định hành vi bán phá giá này gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa thì DOC sẽ ban hành quyết định áp thuế CBPG.
Tuy nhiên, ngược lại, nếu một trong hai cơ quan này ra kết luận không có phá giá hoặc không tồn tại thiệt hại thì DOC sẽ không ban hành biện pháp CBPG. ITC dự kiến ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại vào tháng 11-2016.
Trước đó, vào tháng 11-2015, Mỹ đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với ống thép hàn cacbon từ bốn nước trên. Các sản phẩm bị điều tra có mã HS 7306.19.1010, 7306.19.1050, 7306.19.5110, 7306.19.5150, 7306.30.1000, 7306.30.5025, 7306.30.5032, 7306.30.5040, 7306.30.5055, 7306.30.5085, 7306.30.5090, 7306.50.1000, 7306.50.5050 và 7306.50.5070.
Nguồn tin: KTSG