Bằng cách gia hạn miễn thuế thép-nhôm cho EU đến ngày 1.6 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump tránh nguy cơ chiến tranh thương mại với châu Âu, theo báo Guardian ngày 1.5.
Hồi tháng 3, ông Trump áp mức thuế 25% đánh lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu vào Mỹ, nhưng ông tạm thời miễn thuế cho Canada, Mexico, Brazil và Liên hiệp châu Âu (EU). Sự miễn thuế này đến ngày 1.5 thì hết hiệu lực.
Ngày 30.4 (giờ Mỹ), Nhà Trắng cho biết “chính phủ đạt thỏa thuận về nguyên tắc với Argentina, Úc, Brazil về vấn đề thép-nhôm, các chi tiết sẽ được công bố sớm. Chính phủ cũng gia hạn thương lượng với Canada,Mexico, EU trong 30 ngày cuối cùng”.
Ông Trump có chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, từng nói tăng thuế là cần thiết để bảo vệ các nhà sản xuất kim loại Mỹ khỏi sự cạnh tranh bất bình đẳng và tăng cường an ninh quốc gia Mỹ, vào lúc thế giới bị dư thừa quá nhiều thép-nhôm, chủ yếu do Trung Quốc sản xuất quá nhiều.
Theo tờ báo Anh, sự gia hạn miễn thuế giúp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel thở phào. Hai nhà lãnh đạo trong tuần qua đã đến Nhà Trắng, vận động hành lang với ông Trump.
Tại cuộc họp báo chung ngày 27.4 của hai vị lãnh đạo Mỹ-Đức, ông Trump đã nói Mỹ muốn một quan hệ thương mại “ngang bằng” với Đức cùng các nước châu Âu: “Chúng tôi cần một mối quan hệ hỗ tương nhưng không có được. Chúng tôi đang xúc tiến, muốn quan hệ này công bằng hơn. Thủ tướng cũng muốn nó công bằng hơn”.
Nhưng động thái này đe dọa bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại, có thể gây bất ổn nơi thị trường tài chính. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đã cảnh cáo nếu châu Âu phải chịu mức thuế trị giá 6,4 tỉ euro (7,7 tỉ USD) áp lên thép-nhôm xuất qua Mỹ hàng năm, thì Mỹ cũng sẽ chịu mức thuế trị giá 2,8 tỉ euro (3,4 tỉ USD) lên hàng hóa Mỹ nhập qua châu Âu, gồm xe mô-tô Harley Davidson, quần jeans Levi’s và rượu bourbon bang Kentucky.
Hồi tháng 3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nói nếu Mỹ áp thuế lên thép-nhôm, thì chúng ta cũng phải làm thế với hàng hóa Mỹ. Chúng ta phải chứng tỏ chúng ta có thể đưa ra những biện pháp. Việc này không thể là hành động đơn phương liên Thái bình dương của Mỹ”.
Cuối tuần qua, chính phủ Đức nói bà Merkel, Tổng thống Macron và nữ Thủ tướng Anh Theresa May đã đồng ý rằng nếu bị Mỹ áp thuế, thì “EU phải sẵn sàng bảo vệ quyền lợi trong khuôn khổ qui định thương mại đa phương”.
Ngày 30.4, Thủ tướng Justin Trudeau của Canada, nói nếu Mỹ áp thuế lên thép-nhôm Canada, thì “sẽ là một ý tưởng rất tệ”, dẫn đến chiến tranh thương mại giữa hai nước. Mỹ là nước nhập khẩu nhiều thép Canada nhất.
Các quan chức chính phủ Mỹ nói thay vì áp thuế, các nước xuất khẩu thép-nhôm nên đồng ý với những hạn ngạch (quota) được thiết kế nhằm bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ.
Trung Quốc, Nhật Bản và Nga không được Mỹ miễn thuế. Mỹ cũng dọa áp thuế trị giá 150 tỉ USD lên hàng hóa Trung Quốc, để trả đũa việc Bắc Kinh đối xử bất bình đẳng, như buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ thì mới được tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Anh hoan nghênh Mỹ gia hạn miễn thuế. Người phát ngôn chính phủ cho biết Anh sẽ làm việc chặt chẽ với các đối tác EU và với chính phủ Mỹ để được miễn thuế vĩnh viễn, bảo đảm an toàn cho ngành thép-nhôm của xứ đảo sương mù.
Nguồn tin: Một thế giới