Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Phá băng" thị trường thép

Theo VSA, lượng phôi thép tồn kho hiện ước ở mức trên 500.000 tấn, còn sản phẩm thép bị tồn trên 400.000 tấn. "Số lượng này hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu thép xây dựng cả nước trong quý IV/2008, đó là chưa kể trong 3 tháng cuối năm, các công ty sản xuất phôi và cán thép còn sản xuất thêm nếu có nhu cầu", ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho biết.

Chính bởi tình trạng "đóng băng" trên thị trường thép trong nước mà một số công ty như Thép Việt Ý, Nasteel, SSE đã dừng sản xuất, hoặc như Việt Hàn (VPS), Vinakyoei, Hòa Phát, Thép Việt chỉ sản xuất cầm chừng. VSA mới đây đã tiếp tục đề nghị các cơ quan hữu trách giảm thuế xuất khẩu phôi thép xuống 2% như cũ và có lộ trình giảm xuống 0%. Hiện tại, thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép đang ở mức 10% sau khi được điều chỉnh giảm từ 20% xuống vào ngày 22/9 vừa qua.

Trước thực tế thị trường đang có dấu hiệu "đóng băng" như hiện nay, lãnh đạo một số công ty sản xuất thép trong nước đã chỉ đạo dừng mọi giao dịch liên quan đến mua bán thép phế liệu hoặc nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất cho tới khi có lệnh mới.

Ông Đỗ Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Đình Vũ đã tính tới phương án tạm dừng sản xuất và đóng cửa nhà máy sau khi chỉ thị cho các phòng, ban liên quan tạm dừng mua các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất khi lượng tồn kho thép phế và phôi của đơn vị thời điểm này ước tính gần 70.000 tấn.

Còn Công ty cổ phần Kim khí Hưng Yên cũng phải gửi thông báo tới các đối tác liên quan, đề nghị tạm dừng các giao dịch liên quan đến mua, bán thép phế để sản xuất cầm cự với lượng thép phế dự trữ trong khi thị trường trầm lắng.

Thị trường thép trong nước và quốc tế cũng chứng kiến những pha đảo chiều chưa từng thấy. Từ đỉnh cao giá phôi nhập khẩu vào Việt Nam được chào tới 1.200 USD/tấn vào tháng 7/2008 thì đến nay, sau hơn hai tháng, đã rớt xuống còn 650 USD-700 USD/tấn.

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), giá thép xây dựng ở Trung Quốc đã giảm 20% và tại Nhật Bản là 12,5% trong 3 tháng qua. Do giá giảm, nhiều nhà máy thép của Trung Quốc đã buộc phải cắt giảm sản lượng, thậm chí tạm dừng hoạt động nhằm đẩy giá lên, song xu hướng giảm giá dường như chưa dừng lại trong thời gian tới.

Thêm vào đó, 25 nhà máy sản xuất thép lớn của Trung Quốc đã quyết định hạ giá thép kỳ hạn tháng 11/2008 thêm từ 73,28 USD/tấn đến 117,25 USD/tấn. Đối với thép phế, giá giao dịch đã giảm tới gần một nửa kể từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9 vừa qua và hiện chỉ còn ở mức quanh 353,25 USD/tấn tại thị trường Nhật Bản.

Sự tụt dốc mạnh của giá thép trên thị trường thế giới cộng thêm các biện pháp thặt chặt quản lý tiền tệ, cắt giảm đầu tư cũng tiếp tục hạn chế tiêu thụ thép tại thị trường trong nước. Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi cho biết, thời điểm xuất khẩu phôi thép tốt nhất với giá trên 1.150 USD/tấn (giá FOB Hải Phòng) vào tháng 6/2008. "Nhưng khi có quyết định tăng mức thuế suất thuế xuất khẩu lên 10% vào cuối tháng 6/2008 thì các doanh nghiệp đã không xuất khẩu phôi thép nữa", ông Hoàn nói.

Trên thực tế, việc tăng thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép là do các cơ quan hữu trách lo ngại việc xuất khẩu ồ ạt phôi thép vào thời điểm đó có thể khiến cho thị trường trong nước thiếu thép trong những tháng cuối năm.
Hiện tại, sản lượng phôi thép trong nước sản xuất hàng tháng đạt bình quân 180.000 - 200.000 tấn, trong khi đó, sản lượng tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 100.000-110.000 tấn/năm.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị trường thép trước tháng 6/2008 tiêu thụ bình quân khoảng 300.000-350.000 tấn/tháng, thì tháng 6 đã giảm xuống dưới 300.000 tấn; tháng 7 còn 250.000 tấn; tháng 8 còn 110.000 tấn và tháng 9 cũng chỉ là 110.000 tấn.

VIR

ĐỌC THÊM