Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Phải trở thành những "quả đấm thép"

Giàn khoan Bạch Hổ 2 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Ảnh: CTV

Các Tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ phần vốn lớn và được giao khai thác những tài nguyên trọng yếu của đất nước. Với mong muốn tạo thế đứng vững chắc hơn cho nền kinh tế trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, Chính phủ đã chỉ đạo phải tiếp tục củng cố và nghiên cứu để tăng thêm số lượng các Tập đoàn kinh tế nhà nước.

Vai trò quan trọng trong nền kinh tế

Hiện cả nước có 8 Tập đoàn kinh tế nhà nước (KTNN) gồm: Than-Khoáng sản Việt Nam, Dệt may, Cao su, Dầu khí, Bưu chính -Viễn thông, Điện lực, Tài chính - Bảo hiểm và Công nghiệp tàu thủy cùng với 96 Tổng công ty, Công ty lớn của nhà nước.

Tuy còn những nhược điểm trong tổ chức và hoạt động nhưng không thể phủ nhận các Tập đoàn kinh tế nhà nước đã sản xuất ra một lượng hàng hóa lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, tỷ lệ tăng trưởng khá cao, có vai trò quan trọng trong việc giúp Chính phủ điều tiết, ổn định nền kinh tế. Nhất là trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn thì việc nhà nước nắm vững được những ngành sản xuất thiết yếu lại càng trở nên quan trọng. Đầu năm nay, mặc dù giá nguyên liệu trên thế giới tăng cao nhưng theo chỉ đạo của Chính phủ, các Tập đoàn KTNN vẫn giữ vững giá cả những mặt hàng thiết yếu, tránh gây xáo trộn cho nền kinh tế và xã hội.

Thế nhưng, trong xã hội còn có những nhìn nhận khác nhau về hiệu quả, vai trò của các Tập đoàn kinh tế nhà nước. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng các Tập đoàn kinh tế nhà nước là nguyên nhân gây ra lạm phát…

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, phải nhanh chóng sơ kết mô hình tập đoàn để rút kinh nghiệm và vạch ra phương hướng phát triển trong thời gian tới.

PGS. TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, với một nền kinh tế còn yếu như của Việt Nam, lại mới tham gia hội nhập, thì các nhân vật chính tham gia cuộc chơi toàn cầu phải là các tập đoàn kinh tế mạnh. “Nói gì thì nói, rõ ràng, xã hội vẫn có niềm tin lớn hơn với sản phẩm của các doanh nghiệp nhà nước. Và đây cũng là thế mạnh để xây dựng thương hiệu khi ra quốc tế”. Ông Phan Đăng Tuất nhìn nhận.

Trong cuộc họp sơ kết thí điểm mô hình Tập đoàn KTNN, ngoài việc khẳng định vai trò tích cực, Bộ Công Thương (quản lý 4 Tập đoàn KTNN) cũng thẳng thắn nhìn nhận do được chuyển đổi từ các tổng công ty 91, chưa có cơ chế, chính sách và mô hình cụ thể nên hoạt động của từng đơn vị chưa thống nhất, rõ ràng. Trong một số lĩnh vực cụ thể, hoạt động của một số tập đoàn hiện mang tính độc quyền, chưa phù hợp với cơ chế cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Một số doanh nghiệp chưa thoát khỏi tư duy của cơ chế bao cấp, xin cho, không dám chịu trách nhiệm, có quyền nhưng không dám quyết mà vẫn xin ý kiến Công ty mẹ.

Chỉ nên hình thành tập đoàn khi điều kiện chín muồi?

Ngoài 8 Tập đoàn nêu trên, hiện nay 4 Tổng công ty lớn là: Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng đã đề xuất được phát triển thành mô hình tập đoàn. Hiện nay, Nghị định hình thành, tổ chức, hoạt động và quản lý đối với tập đoàn kinh tế nhà nước đang trong quá trình được xây dựng. Theo dự thảo Nghị định thì một điều kiện quan trọng để chuyển đổi từ tổng công ty sang mô hình tập đoàn KTNN là vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 3.000 tỷ đồng; Tổng công ty, nhóm công ty mẹ-con hoạt động kinh doanh có lãi trong ba năm liền và không có lỗ lũy kế tính đến trước thời điểm chuyển đổi; hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước…

Dưới góc độ nhà quản lý, ông Trần Thảo, Phó trưởng Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương cho rằng, cần sớm có quy định về các tiêu chí, điều kiện hình thành tập đoàn kinh tế. Theo ông, phát triển mô hình tập đoàn là cần thiết, cái chính là cần cân nhắc xem các tổng công ty, các ngành nghề cụ thể nào nên phát triển thành tập đoàn.

Nằm ở phía các ý kiến phản biện, TS. Nguyễn Đình Cung, Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách Kinh tế Vĩ mô Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nên để các tập đoàn kinh tế được hình thành một cách tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu phát triển của nó hơn là từ các mệnh lệnh hành chính. Theo TS. Nguyễn Đình Cung thì trong các điều kiện để thành lập Tập đoàn KTNN thì vốn không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu mà là mối liên kết giữa các đơn vị trong nhóm công ty dựa trên nhu cầu nội tại của chính những công ty ấy.

Tại hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương tổ chức bàn về việc quản lý các tập đoàn KTNN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay có xu hướng tổng công ty thích mang tên “tập đoàn” cho oai. Một chuyên gia cho rằng, tên gọi là Tập đoàn, hay Tổng công ty không quan trọng. Quan trọng là định chế và nội hàm của định chế kinh doanh ấy là gì.

Đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính cần được định hướng

Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của các Tập đoàn KTNN. Hiện nay, chưa có thống kê tổng thể nào cho thấy các Tập đoàn KTNN đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính lỗ lãi ra sao.

Bộ Công Thương đánh giá việc mở rộng đa ngành, đa nghề ra nhiều lĩnh vực không phải sở trường như tài chính, ngân hàng... đã phần nào làm giảm năng lực và sự tập trung nguồn lực của các tập đoàn vào lĩnh vực chính.

Vì thế, theo ông Trần Thảo, thời gian tới cần định hướng để các tập đoàn đầu tư vào những ngành nghề liên quan đến ngành nghề chính của mình, tận dụng được thế mạnh của mình. Theo ông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư vào viễn thông là có hiệu quả vì tận dụng được hệ thống cáp, hay Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) đầu tư vào điện cũng có lợi vì dùng than làm nguyên liệu cho nhà máy nhiệt điện… Theo quy định thì các Tập đoàn không được đầu tư ra ngoài quá 30% tổng số vốn. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam được coi là đầu tư nhiều ra ngoài lĩnh vực chính. “Tuy nhiên, vốn đầu tư ra ngoài chỉ chiếm khoảng 15-20% tổng số vốn của họ”. Ông Thảo nói.

Ông Phan Đăng Tuất cho rằng, đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính là vấn đề khách quan. “Bởi các tập đoàn kinh tế nhà nước là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, họ có quyền chọn những lĩnh vực tốt để đầu tư. Vấn đề là Nhà nước cần có cơ chế, có “khung” để định hướng, tư vấn cho họ các hình thức kinh doanh hiệu quả.

Các tập đoàn KTNN có những lợi thế rõ rệt bởi nguồn vốn đầu tư của nhà nước, bởi được giao khai thác những tài nguyên trọng yếu. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần đề ra được những biện pháp quản lý hữu hiệu để vốn của nhà nước được kinh doanh có hiệu quả nhưng vẫn phải đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chủ yếu được giao, cùng với đó là hạn chế độc quyền doanh nghiệp.

ĐỌC THÊM