Năm 2009 là năm ngành thép Trung Quốc có nhiều biến động nhất trong lịch sử phát triển. Chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, chỉ số MyspiC tổng hợp (Mysteel price index of China) - chỉ số phản ánh sự tăng trưởng của ngành thép nước này đã giảm đến 42% so với năm 2008. Tuy nhiên, nhờ vào gói kích cầu 400 tỷ USD của chính phủ đã kích thích ngành thép hồi phục trở lại. Nhìn chung ngành thép trong năm 2009 tăng trưởng theo hình chữ V, điểm đáy rơi vào khoảng giữa năm, càng về cuối năm, thị trường càng tăng trưởng mạnh mẽ. Mặc dù giá hiện nay khá cao so với thời kỳ bắt đáy nhưng chỉ tăng 4.8% so với đầu năm 2009.
Sản lượng vượt dự báo
Tính từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2009, sản lượng thép thô Trung Quốc đạt 519 triệu tấn, tăng 9.7% so với cả năm 2008. Sản lượng gang đạt 496 triệu tấn, tăng 13.4% so với cả năm 2008. Sản lượng thép các loại đạt 625 triệu tấn, tăng 14% so với cả năm 2008. Trong khi đó, vào cuối năm 2008, hầu hết các nguồn nghiên cứu đều dự báo sản lượng thép năm 2009 sẽ giảm ít nhất 10%. Nguyên nhân chính do năm 2009, nhu cầu sử dụng thép xây dựng, sản xuất ô tô, điện gia dụng tăng đột biến làm cho sản lượng vượt dự báo.
Nếu phân tích cơ cấu sản phẩm trong ngành thép, có một số sản phẩm công suất tăng mạnh, song cũng có nhiều loại giảm. Tính đến cuối tháng 11, các sản phẩm có năng suất sản xuất trung bình tháng tăng rõ rệt so với năm 2008 gồm: thép hình loại trung và nhỏ (tăng 35.5), thép thanh vằn (tăng 33.8%), thép cuộn cán nóng nguyên liệu (tăng 24.8%), thép cuộn cán nóng khổ rộng (tăng 25%), thép cuộn cán nóng khổ hẹp (tăng 30.6%), thép mạ màu (tăng 34.3%), thép ray (tăng 65.2%).
Trong khi đó, một số sản phẩm có năng suất sản xuất giảm rõ rệt có: thép tấm đúc loại dày (giảm 25%), thép tấm đúc loại trung (giảm 15%), thép băng dày khổ rộng (giảm 12%). Năng suất sản xuất thép tấm đúc giảm mạnh nguyên nhân do ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc lẫn thế giới suy yếu mạnh trong năm 2009 dẫn đến nhu cầu thấp kém. Trong khi đó, kế hoạch xây dựng đường sắt lại khiến cho sản lượng thép ray tăng mạnh.
Xu hướng phát triển thị trường thép vượt dự báo
Thị trường thép Trung Quốc năm 2009 có nhịp độ tăng trưởng khá đặc biệt, mùa thấp điểm giá lại lên cao, đến mùa cao điểm giá lên nhưng vẫn không tới ngưỡng. Theo đánh giá sự thay đổi chỉ số MyspiC trong nhiều năm, thường tháng 2 đến tháng 6 là mùa cao điểm, giá khá cao, tháng 7,8 nhu cầu thấp trở lại, tháng 9,10,11 nhu cầu tăng trở lại, tháng 12 đến tháng 2 là chu kỳ thấp điểm.
Tuy nhiên, trong năm 2009 giá thép hầu như không tuân theo quy luật trên. Giá thép khá cao bắt đầu từ tháng 11 năm 2008 kéo dài đến tháng 2 năm 2009. Đến tháng 3,4 nhu cầu tăng cao thì giá lại rớt mạnh đến cuối tháng 4 mới bắt đầu tăng trở lại. Tháng 7,8 đáng lẽ là mùa thấp điểm giá lại tăng ào ạt. Thị trường nhiều lần chạy ngược với quy luật không khỏi khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất ổn. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ điều này có quan hệ mật thiết đến thị trường tiền tệ và chính sách vĩ mô của chính phủ. Năm 2009 là năm ngành thép chịu sự “uốn nắn” của Nhà nước nhiều nhất đến nay.
Cơ cấu thị trường phức tạp
Trong năm 2009, giá thép vật chất bị chi phối mạnh mẽ bởi thị trường kỳ hạn vốn chưa đủ kinh nghiệm để điều phối giá thép giao ngay. Trong tháng 7,8,9 giá thép tăng giảm mạnh mẽ có liên quan mật thiết đến thị trường kỳ hạn mà giá thép kỳ hạn lại chạy theo giá cổ phiếu. Do đó, số lượng nhân tố chi phối thị trường thép thêm phần phức tạp, không đơn thuần chỉ có cung-cầu như lúc trước.
Ngoài ra, những sản phẩm có quan hệ giá với nhau cũng không còn tuân theo quy luật. Theo nguyên tắc, giá thép cuộn cán nóng nguyên liệu khổ rộng phải cao hơn loại khổ hẹp. Giá thép HRC phải cao hơn giá thép thanh vằn ít nhất 200 RMB/tấn. Tuy nhiên, trong năm qua mọi thứ đã bị đảo lộn. Giá thép thanh vằn và HRC trong năm qua hầu như bằng nhau, có lúc HRC giá thấp hơn cả thanh vằn. Giá thép HRC khổ hẹp lại cao hơn khổ rộng.
Tồn kho cao, giá vẫn tăng
Tính đến ngày 25 tháng 12, lượng tồn kho thép Trung Quốc ít nhất khoảng 12,320,000 tấn, so với 6 ngàn tấn vào cuối năm 2008, lượng tồn kho đã tăng hơn gấp đôi. Trong năm 2009, lượng hàng tồn kho luôn ở mức cao, đặc biệt là thép HRC. Mặc dù tồn kho cao nhưng giá nhiều giai đoạn vẫn tăng mạnh mẽ. Điều này tạo nên sự nghi ngờ về mối quan hệ ngược chiều vốn có giữa giá và lượng tồn kho.
Vấn đề tồn kho cao thực chất có quan hệ mật thiết đến chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc. Lượng tiền dồi dào, lãi suất thấp thúc đẩy nhà đầu tư mua thép tích trữ. Do đó, lượng thép thực tế giao dịch trên thị trường không nhiều dẫn đến giá thép tăng. Đặc biệt vào tháng 10 năm 2009, khi xu hướng năm 2010 dần lộ rõ, tâm lý tích trữ hàng của các nhà đầu tư càng tăng mạnh. Dự báo lượng hàng tồn kho sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới trừ phi chính phủ có thay đổi chính sách tiền tệ đột ngột.
Ngoài những yếu tố trên, thị trường thép trong năm 2009 còn nhiều đặc điểm “vượt dự báo” như tồn kho quặng sắt, lượng thép nhập khẩu... Những đặc điểm trên đa phần do khách quan ảnh hưởng tuy nhiên vẫn có yếu tố chủ quan như năng lực sản xuất và quản lý yếu kém, cơ chế giám sát của chính quyền không chặt chẽ... Dự báo sang năm 2010, dự báo khả năng điều phối thị trường sẽ tốt hơn. Giá thép sẽ tăng trưởng bình ổn trở lại.
(Sacom)