Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Phân hóa rõ nét ngành thép

 2016 là năm vàng son của ngành thép khi các doanh nghiệp đều có lãi, thậm chí lãi lớn nhất trong lịch sử. Nhưng các khoản lãi kỷ lục cũng không che mờ được xu hướng phân hóa cực kỳ khắc nghiệt của ngành thép.

Chênh lệch khủng

BCTC hợp nhất quý IV-2016 của Tổng CTCP Thép Việt Nam (TVN) công bố mức lãi ròng cả năm 2016 đạt gần 842 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2015 (173 tỷ đồng). Tính từ khi IPO cách đây 5 năm (giá đấu thành công bình quân 10.101 đồng/CP), 2016 là năm TVN lãi khủng nhất. TVN từng lỗ nặng trong 2 năm 2013 (255 tỷ đồng) và 2014 (42 tỷ đồng).

Nhưng khoản lãi 842 tỷ đồng của TVN lại trở nên nhỏ bé so với mức lãi hơn 6.600 tỷ đồng của HPG (Hòa Phát) trong năm qua. Có thể ví von nếu TVN làm ra 1 đồng lãi thì HPG làm ra đến 8 đồng lãi trong năm 2016. Thậm chí, khoản lãi ròng 1 năm của HPG đã gần bằng vốn điều lệ (VĐL) của TVN (6.780 tỷ đồng) trong nhiều năm tích lũy.

Mức chênh lệch quá lớn này có thể khiến nhiều người đặt vấn đề, bởi TVN là doanh nghiệp có bề dày lịch sử vài chục năm (thành lập đầu những năm 1990) cùng vị thế đầu ngành cũng như nhiều lợi thế kinh doanh khác nhau. Trong khi xuất phát điểm của HPG chỉ là một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng (thành lập năm 1992), làm thương mại trước khi tham gia sản xuất. Nói cách khác, nhắc đến 2 thương hiệu TVN hay HPG người bình thường sẽ nghĩ rằng cả 2 đều “rất to”, nhưng to đến mức độ nào có lẽ nên xem thêm KQKD.

TVN hiện chỉ có giá tầm 7.000 đồng/CP, rẻ hơn cả 1 tờ vé số và giao dịch tại UPCoM. Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, có đến 4 phiên KLGD của TVN bằng 0. Nếu có lý giải cho rằng do TVN mới chỉ IPO có nửa thập niên, cần thời gian để tái cấu trúc và phát triển, sự chênh lệch về lợi nhuận có thể bắt nguồn từ xuất phát điểm khác biệt giữa một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và một doanh nghiệp tư nhân cũng hợp lý, nhưng chưa hoàn toàn chuẩn xác.

Năm 2010, khi POM (Pomina) lên sàn, nhiều NĐT kỳ vọng doanh nghiệp này sẽ trở thành đối trọng với HPG. Vì rõ ràng trên thị trường, tên tuổi, vị thế của cả HPG và POM đều có rất nhiều điểm tương đồng. Những cổ đông sáng lập POM đều là những người có vài chục năm kinh nghiệm trong ngành thép và thương hiệu Pomina cũng có sức lan tỏa rất lớn trên thương trường.

Tuy nhiên, về mặt KQKD tính từ khi POM lên sàn lại diễn biến theo kiểu “phú quý giật lùi”, năm 2010 công ty lãi ròng gần 660 tỷ đồng, năm 2011 giảm xuống hơn 400 tỷ đồng, năm 2013 lỗ gần 220 tỷ đồng. Theo BCTC hợp nhất quý IV-2016 của POM, công ty lãi ròng hơn 300 tỷ đồng, so ra vẫn còn thua mức lãi cách đây nửa thập niên. Lãi ròng của POM thậm chí chưa bằng phân nửa TVN, và đương nhiên chỉ bằng phân nửa phần số lẻ trong mức lãi ròng của HPG.


Xu hướng phân hóa trong ngành thép đang diễn ra khắc nghiệt. Ảnh: LONG THANH

Sẽ giữ vị thế ra sao?

Như vậy, sự khác biệt cơ bản không nằm ở chuyện doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu thế nào, xuất phát điểm ra sao mà đó là ý chí, quyết tâm cũng như khả năng vận hành doanh nghiệp theo sự biến động của thị trường cũng như nền kinh tế. Nhiều người đánh giá VNM là CP tốt nhất thị trường bởi sự lớn mạnh, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả trong kinh doanh, nhưng Vinamilk cũng có xuất phát điểm là một doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.

Nếu chênh lệch lãi ròng của TVN với HPG gây ngạc nhiên 1, thì trường hợp của POM có thể gây ngạc nhiên 10. Nói vậy vì trong mắt của những người trong ngành thép, POM vẫn là một tay chơi lớn thực sự, vì vậy giới đầu tư vẫn thắc mắc “không hiểu sao POM lãi ít như vậy”.

Chính vì sự khó hiểu này, cộng với cách giao tiếp của doanh nghiệp với NĐT có phần khép kín, nên POM dù vị thế là một ông lớn nhưng CP lại chẳng khác gì một mã penny. Hồi tháng 2, POM tăng một mạch từ 1.0 lên 1.9 nhưng sau đó lại giảm xuống còn khoảng 1.4, nhưng dù tăng hay giảm thanh khoản của CP này khá thấp, thường chỉ vài chục ngàn CP được giao dịch mỗi phiên.

Và khó hiểu hơn nữa là POM có thị giá thấp hơn rất nhiều CP trong ngành, dù về quy mô và vị thế các doanh nghiệp đó không đọ được với POM. Có quan điểm cho rằng POM vẫn đang trong giai đoạn đầu tư phát triển và phải có lý do nào đó nên lợi nhuận chưa được như kỳ vọng.

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành thép là liên tục và xu hướng lựa chọn của dòng tiền trên TTCK cũng ngày một khắt khe. Nếu xem giá và biến động CP là biểu hiện của sự kỳ vọng, nhìn vào diễn biến của POM trong 1 năm qua có thể thấy kỳ vọng của TTCK dành cho CP này không thực sự rõ ràng.

Hiện nay VĐL của POM mới đạt gần 1.875 tỷ đồng, thấp hơn hẳn so với HPG (gần 8.430 tỷ đồng) và con số này đã được giữ nguyên trong nửa thập niên qua. Không tăng VĐL có thể là một chiến lược của POM, nhưng nhiều NĐT thắc mắc trong khi một loạt đơn vị khác trong ngành thép vẫn đang tiếp tục tăng VĐL để đầu tư, POM sẽ có kế sách gì để đảm bảo vị thế của mình?

Cho đến nay TVN hay POM vẫn được xem là những ông lớn thực sự trong ngành thép, được các doanh nghiệp, đối tác nể trọng vì đây là những đơn vị đã từng đi đầu trong các xu hướng đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Nhưng câu hỏi đồng thời cũng được đặt ra là sắp tới các tên tuổi này sẽ làm như thế nào, sẽ đi đâu để vẫn giữ được vị thế của mình, đồng thời gia tăng được lợi ích cho cổ đông, NĐT và thị trường?

Nguồn tin: ĐTTC

ĐỌC THÊM