Theo báo cáo của Hiệp hội Thép, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép trong 6 tháng đầu năm khá tích cực.
Cụ thể, sản xuất thép đạt 11,74 triệu tấn, tăng 24,8% so với cùng kỳ 2017; sản lượng bán hàng đạt 10,61 triệu tấn, tăng 36,2%.
Giá bán thép xây dựng trong nước nửa đầu năm duy trì ổn định ở mức cao, khoảng 13,2 - 13,5 triệu đồng/tấn.
Với tình hình tiêu thụ thép 6 tháng đầu năm tích cực, doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đều tăng tốt so cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận có sự phân hóa do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu là giá thép phế liệu và phôi thép tăng cao so cùng kỳ năm trước.
Những doanh nghiệp cải thiện được biên lợi nhuận và tiết giảm chi phí sản xuất như Hòa Phát Group (HPG), CTCP Thép Pomina (POM),… đều có lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.
Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, HPG đạt doanh thu 27.595 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của HPG đạt 4.425 tỷ đồng, tăng 27% so su cùng kỳ.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, nhóm ngành thép duy trì sản lượng bán hàng ở mức cao, ổn định chính là động lực tăng trưởng thời gian qua của công ty.
Trong đó, POM báo lãi sau thuế tăng 174%, đạt 164 tỷ đồng do doanh thu thuần tăng 52%, biên lãi gộp cải thiện từ 6,17% lên 7,1%.
Trong khi đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 doanh thu của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) đạt 5.802 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nên lợi nhuận gộp còn hơn 294 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Ngoài TIS, các doanh nghiệp chưa ổn định được chi phí khiến lợi nhuận giảm đáng kể như: Hoa Sen Group (HSG), Thép Việt Ý (VIS), Thép Tiến Lên (TLH),…
Doanh thu của HSG tăng 43% so với cùng kỳ nhưng giá vốn tăng mạnh khiến lãi gộp giảm xuống 1.031 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 15% xuống 10%, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Ngoài ra, chi phí tài chính tăng 54% lên 217 tỷ đồng, chủ yếu do lãi vay tăng 40% lên 190 tỷ đồng, cũng là gánh nặng của HSG. Hiện tại, nợ vay của HSG đã lên tới 15.880 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ so với đầu năm và chiếm tới 67% tổng nguồn vốn công ty.
Các chi phí phát sinh khác trong quý 3 cũng gia tăng như chi phí bán hàng 505 tỷ đồng (tăng 19%), chi phí quản lý 235 tỷ đồng (tăng 7%).
Gây bất ngờ trong quý II là VIS khi lỗ ròng 68 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, VIS ghi nhận lỗ 66 tỷ đồng, cách xa mục tiêu lãi cả năm 90,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, TLH đạt mức doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 3.057 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 179,7 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.
Riêng quý 2/2018, doanh thu của TLH tăng 31%, đạt 1.590 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 40,38 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ.
Nguồn tin: Infonet