Thị trường sắt thép trong thời gian gần đây đang phải gồng mình chống chọi với nguy cơ suy thoái kinh tế và áp lực sụt giảm của nhu cầu tiêu thụ, trước bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Triển vọng trong lĩnh vực sản xuất và hoạt động đầu tư xây dựng do đó đang phải gánh chịu những thách thức không nhỏ.
Giá sắt chịu áp lực kép từ suy thoái kinh tế và bài toán về nhu cầu tiêu thụ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6, chỉ số MXV-Index kim loại tăng nhẹ 0,15% lên mức 5487,85 điểm. Hợp đồng quặng sắt giao dịch trên Sở Singapore tăng 3,58% lên 114,91 USD/tấn. Mặc dù vậy, mức giá này vẫn đang giảm 16,82% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, giá quặng sắt đã giảm hơn 20% so với mức cao nhất trong năm nay được thiết lập vào hồi đầu tháng 04. Đáng chú ý, trước phiên hồi phục nhẹ vào ngày hôm qua, quặng sắt đã có 8 phiên giảm liên tiếp và là chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Một phần nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do áp lực về một cuộc suy thoái kinh tế đe doạ tới hoạt động đầu tư và sản xuất trên toàn cầu. Trong thời gian qua, đối mặt với mức lạm phát tăng vọt, hàng loạt các Ngân hàng Trung ương trên thế giới, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mạnh tay nâng lãi suất nhằm tìm kiếm giải pháp kiểm soát giá cả leo thang.
Điều này tạo ra thách thức đối với nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào khi nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Thị trường sắt thép gắn liền với ngành xây dựng và công nghiệp, một trong các lĩnh vực dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế, do đó đã lao dốc trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, xét về năng lực tiêu thụ, bức tranh ảm đạm trong nhu cầu sử dụng quặng sắt làm nguyên liệu thô cho các hoạt động kinh tế tại thị trường Trung Quốc cũng tạo ra trở lực đáng kể cho giá sắt. Quốc gia này hiện là nhà tiêu thụ sắt thép lớn nhất thế giới, chiếm tới hơn 50% sản lượng toàn cầu mỗi năm, do đó, bất kỳ sự gián đoạn trong nhu cầu tại đây đều gây ra tác động lớn tới giá sắt trên thế giới.
Chịu tổn thương vì tình hình dịch bệnh, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức khôi phục kinh tế. Kể từ đầu tháng 6 tới nay, ngày càng nhiều nhà sản xuất thép của Trung Quốc lựa chọn bảo trì nhà máy và cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu chậm chạp và tỷ suất lợi nhuận thấp, kéo theo nhu cầu nguyên liệu thô đối với sắt sụt giảm.
Tồn kho thép trong tuần trước cũng đã tăng 316.000 tấn lên 22,2 triệu tấn, chỉ số lợi nhuận thép của Trung Quốc cũng đã giảm gần 90% trong tháng này. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ còn bị cản trở bởi mùa mưa đang khiến cho hoạt động xây dựng tại nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu gặp nhiều gián đoạn.
Thị trường sắt thép tiếp tục đối mặt với thách thức trong thời gian tới
Khi nền kinh tế toàn cầu đang phải đối diện với viễn cảnh suy thoái, các thị trường tiêu thụ tại châu Á, đặc biệt là ngành sản xuất khổng lồ của Trung Quốc trở thành hi vọng cho đà phục hồi của giá sắt trên thế giới. Thực tế, Chính phủ Trung Quốc đã tung ra rất nhiều những chính sách tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, nhất là với lĩnh vực bất động sản. Lãi suất cơ bản cho vay 5 năm, một tham chiếu cho các khoản thế chấp nhà, đã giảm từ 4,6% xuống 4,45% vào tháng trước.
Tuy nhiên, các chính sách này vẫn chưa phát huy nhiều tác dụng trong bối cảnh các nhà chức trách Trung Quốc vẫn ưu tiên mục tiêu chống dịch. Mới đây nhất, dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát trở lại tại thủ phủ công nghệ cao Thâm Quyến và đặc khu Macau. Điều này sẽ làm gia tăng hạn chế đối với sự hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, và cả nhu cầu tiêu thụ sắt thép tại đây.
Nếu không xét tới Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ cũng đang có nguy cơ sẽ bước vào một đợt suy thoái, do sức ép kép tới từ lạm phát và việc các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất. Hiện cả doanh số bán nhà và số giấy phép xây dựng ở Mỹ đều đang giảm từ đầu năm tới nay, và gián tiếp phản ánh sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ đối với những nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt, thép.
Phần lớn nhu cầu tiêu thụ sắt thép vẫn phục vụ cho ngành xây dựng và bất động sản. Trong khi đó, nhu cầu đối với hai lĩnh vực này vẫn xuất phát từ sự hồi phục của nền kinh tế và nhu cầu mua sắm nhà cửa cũng như đầu tư của người dân. Hiện nay, động lực này đang bị kìm hãm bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang xấu đi và niềm tin của người tiêu dùng bị sụt giảm.
Chính phủ các nước hiện vẫn có thể hỗ trợ ngành xây dựng và bất động sản qua các lĩnh vực như đầu tư công nhằm nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng của đất nước, tuy nhiên, những chính sách này thường mất nhiều thời gian để được phê duyệt cũng như triển khai.
Có thể thấy, thị trường quặng sắt trong ngắn hạn vẫn sẽ còn đối mặt với nhiều sức ép, và mặc dù dư địa tăng trưởng vẫn còn, nhưng giá quặng sắt gần như khó có thể quay lại mức đỉnh cũ 230 USD trong một vài năm tới.
Nguồn tin: Vinanet