Số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước đạt trên 161 tỷ USD, trong đó, tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 79 tỷ USD, tổng giá trị nhập khẩu đạt khoảng 82 tỷ USD và nhập siêu ở mức hơn 2,7 tỷ USD, bằng 3,4% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu.
Nhập siêu tiếp tục tăng mạnh
Theo số liệu, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đã tăng mạnh trở lại trong tháng 5. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cũng vẫn duy trì tốc độ tăng cao từ đầu năm, do đó tình trạng nhập siêu tiếp tục kéo dài và có xu hướng nặng nề hơn.
Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu tháng 5 tăng 19,9%, trong đó một số mặt hàng chủ lực tăng cao như điện thoại và linh kiện tăng 31,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 47,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 43,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước tính đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước như điện thoại và linh kiện đạt 16 tỷ USD, tăng 12%; hàng dệt may đạt 9,4 tỷ USD, tăng 9%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,4 tỷ USD, tăng 46,2%; giày, dép đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 5,1 tỷ USD, tăng 38,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng 13,2%; thuỷ sản đạt 2,8 tỷ USD, tăng 11,7%...
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng khá cao, song ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu trong 5 tháng cũng tăng với tốc độ cao hơn ở mức 23,9% so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 82 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,4 tỷ USD, tăng 18,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,6 tỷ USD, tăng 27,5%.
Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tăng cao tập trung ở một số nhóm mặt hàng phục vụ cho sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 14,9 tỷ USD, tăng 38,8%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,3 tỷ USD, tăng 27,5%; điện thoại và linh kiện đạt 5 tỷ USD, tăng 23,4%; sắt thép đạt 4,1 tỷ USD, tăng 36%...
Có đáng lo ngại?
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số nhập siêu trong những tháng đầu năm phần lớn là do nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, vì vậy tình trạng nhập siêu là không đáng lo ngại. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng trong 5 tháng đầu năm, vốn giải ngân đầu tư nước ngoài (FDI) đạt mức 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã lập tức bắt tay vào sản xuất, kéo theo đó là việc đưa máy móc vào để thiết lập dây chuyền sản xuất.
Điều này lý giải vì sao tình trạng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao. Như vậy, tình trạng nhập siêu kéo dài là để phục vụ cho việc sản xuất trong dài hạn, là tín hiệu cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi trong các tháng tiếp theo.
Với xu hướng xuất nhập khẩu hàng hoá như vậy, thời điểm hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị cần tập trung giảm nhập siêu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu chứ không nên chạy theo việc kìm hãm nhập khẩu nếu đó là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất. Thay vào đó, chỉ cần lưu ý số lượng nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thị trường để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Một số chuyên gia cho rằng, nhập siêu không phải là vấn đề đáng lo ngại đối với kinh tế Việt Nam. Bởi việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, gia công, chế biến, lắp ráp trong nước thì nền kinh tế được lợi vì thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Hơn thế, nếu không đẩy mạnh nhập khẩu, thì không thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Nếu không đẩy mạnh nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, thiết bị, linh kiện, phụ tùng máy móc, thì chúng ta không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU hàng chục tỷ USD mỗi năm...
Sau khi xuất siêu 186 triệu USD vào tháng 4, cán cân thương mại hàng hoá của cả nước trong tháng 5 đã quay trở lại trạng thái nhập siêu ở mức 800 triệu USD, khiến thâm hụt thương mại trong 5 tháng đầu năm 2017 nâng lên mức hơn 2,7 tỷ USD, bằng 3,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Điều đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn phải phấp phỏng với nhập siêu, nếu như cơ cấu kinh tế vẫn mãi không thay đổi, vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu...
Nguồn tin: GDTĐ