Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Phế liệu vào Việt Nam tăng gấp đôi sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu

 Nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường, doanh nghiệp không tới nhận dẫn đến tồn đọng tại các cảng.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan tại buổi họp báo chiều 30/7, thời gian qua, Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu khiến hoạt động nhập khẩu phế liệu của Việt Nam có chiều hướng gia tăng mạnh, nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tổng cục Hải quan cho biết, số lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp đôi so với năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam có khối lượng tăng từ 200 - 400% so với năm 2016.

 

Đặc biệt, 5 tháng đầu năm nay, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần 200% so với cả năm 2017. Tuy nhiên, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết các thủ tục nên dẫn đến lượng phế liệu tồn đọng lớn tại các cảng.

Tính đến ngày 25/7, tại cảng Cát Lái, TP HCM còn 3.579 container phế liều tồn tại cảng. Trong đó, 2.423 container quá 90 ngày, 594 container từ 30 – 90 ngày.

Tại cảng Hải Phòng tính đến ngày 5/7 còn tồn 1.485 container hàng hóa. Trong đó, 1.342 container là phế liệu nhựa, tăng thêm 228 container so với ngày 5/6.

Ông Âu Anh Tuấn Cục trưởng Cục giám sát quản lý hải quan cho biết thời gian qua Tổng cục Hải quan đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu nhưng lại khai là hàng đã qua sử dụng như màng nhựa, bao tải dứa... nhằm trốn tránh các quy định về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, theo quy định, hiện chỉ có ba mặt hàng phế liệu được cấp phép đạt quy chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường là sắt thép, nhựa và giấy. Tuy nhiên, nhiều lô hàng khai báo là thép phế liệu nhưng khi kiểm tra lại có lẫn tạp chất nhựa, gỗ, dầu mỡ nên lô hàng đó xác định là chất thải.

Ông Mai Xuân Thành Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cũng cho hay thực tế có một số doanh nghiệp khai sai tên hàng để né các quy định kiểm soát phế liệu của Luật Bảo vệ môi trường.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng thực tế kiểm tra các mặt hàng phế liệu gặp nhiều khó khăn. Muốn kiểm tra đầy đủ đúng quy trình phải dỡ bỏ hết hàng từ container, trong khi đó, điều kiện tại cảng không phù hợp.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cho hay cũng gặp khó trong việc xác định các doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu phế liệu.

Theo đó, cơ quan hải quan đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường công bố danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu trên cổng thông tin một cửa quốc gia.

Để tránh tình trạng Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, ông Âu Anh Tuấn cho biết, cơ quan hải quan sẽ siết chặt phế liệu nhập khẩu từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, không dỡ hàng xuống đối với chất thải phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn.

Về giải pháp xử lý phế liệu hiện đang tồn đọng tại cảng, ông Mai Xuân Thành cho hay cơ quan hải quan sẽ tiến hành ra soát phân loại theo quy định của pháp luật. Với các hàng hóa gây ô nhiễm môi trường chủ hàng sẽ phải chịu trách nhiệm vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trong trường hợp chủ hàng cố tình bỏ trốn không chịu trách nhiệm, ông Mai Xuân Thành cho biết cơ quan điều tra sẽ vào cuộc theo chỉ thị của Thủ tướng. Cơ quan Hải quan cũng sẽ tham gia hợp tác điều tra cùng các cơ quan chức năng khác.
Về khối lượng nhập khẩu nhựa, giấy và sắt thép như sau: Năm 2016: 4,6 triệu tấn. Năm 2017: 6,55 triệu tấn. 6 tháng 2018 4,025 triệu tấn tấn.

Số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu không có nhiều biến động. Năm 2016 có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia. Năm 2017 có 266 doanh nghiệp. Năm 2018 hiện có 240 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu.

Nguồn tin: NDH

ĐỌC THÊM