Văn phòng nội các Nhật Bản vừa qua thừa nhận nền kinh tế Nhật Bản đã phải nhường vị trí thứ 2 thế giới cho Trung Quốc sau hơn 40 năm nắm giữ. Thông báo của Nhật Bản được đưa ra sau khi thống kê về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2010 cho thấy GDP Nhật Bản tăng trưởng 3,9%, đạt 5.474 tỷ USD, nhưng kém tăng trưởng của Trung Quốc với GDP đạt 5.879 tỷ USD.
Tuy nhiên, tờ Chinadaily ngày 15-2 dẫn lời các chuyên gia kinh tế cảnh báo Trung Quốc còn cả một quãng đường dài để cải thiện nền kinh tế, xứng đáng với vị trí nền kinh tế thứ 2 của thế giới.
Nhà kinh tế Yi Xianrong thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, không nên quá đề cao chỉ số GDP bởi dân số của Trung Quốc hiện nay là 1,3 tỷ người, gấp 10 lần dân số Nhật Bản. Theo ông Yi Xianrong, mặc dù GDP Trung Quốc vượt Nhật Bản, nhưng GDP đầu người lại chỉ bằng 1/10 của Nhật Bản. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2010 là 4.300 USD/năm và mức thu nhập này có khoảng cách khá xa so với mức độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Tháng 1 vừa qua, người đứng đầu Cơ quan thống kê quốc gia của Trung Quốc, ông Ma Jiantang khẳng định, Trung Quốc vẫn chỉ là một quốc gia đang phát triển do dân số đông, nền kinh tế chưa vững mạnh, ít nguồn lực và còn quá nhiều người nghèo. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 100 triệu người Trung Quốc-gần bằng tổng dân số của nước Nhật-đang sống ở mức ít hơn 2 USD/ngày.
Tờ China Youth Daily mô tả sức mạnh kinh tế Trung Quốc chỉ là “hào nhoáng” khi phát triển chủ yếu dựa vào nhân công giá rẻ. Trong khi đó, môi trường ngày một suy thoái, chất lượng sống bao gồm giáo dục, an sinh xã hội và y tế đều kém xa các nước phát triển.
Trong 30 năm qua, Trung Quốc phát triển mạnh mẽ nhờ cải cách và mở cửa. Theo Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế, ông Zheng Xinli, chính phủ Trung Quốc cần phải tiếp tục cải cách và cải thiện cơ cấu kinh tế để tránh “bẫy thu nhập trung bình”.
Đô thị hóa được coi là động lực lớn để phát triển nền kinh tế của Trung Quốc. Một người làm ở TP có thể tạo ra giá trị kinh tế là 100.000 nhân dân tệ (NDT). Trong 10 năm tới, với khoảng 200 triệu người Trung Quốc di chuyển vào các TP, thị xã, khoảng 20.000 tỷ NDT (hơn 3.000 tỷ USD) sẽ được bổ sung thêm vào nền kinh tế Trung Quốc. Mối lo lớn là lượng người lớn đổ về các khu đô thị sẽ khiến cơ sở hạ tầng ở những TP này không thể đáp ứng; môi trường ô nhiễm, chất lượng sống không được đảm bảo. Trong khi đó, thiếu hụt lao động tại nhiều khu vực sẽ xảy ra góp phần dẫn đến sự chênh lệch phát triển ở các vùng miền, từ đó khoảng cách giàu nghèo lại gia tăng.
Rõ ràng, việc trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới phần nào khẳng định được bước tiến mạnh mẽ về kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc mà chính phủ Trung Quốc cần phải làm để củng cố vị trí thứ 2 cũng như đưa nền kinh tế Trung Quốc phát triển bền vững.
Nguồn: SGGP