Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Phó chủ tịch Hiệp hội Thép: Năm 2011 ngành thép tăng trưởng âm

Các năm trước, công việc xây dựng diễn ra sôi động cuối năm nhằm hoàn thành kế hoạch và tiêu thụ thép cũng vì thế mà tăng cao, song năm nay tình hình đã hoàn toàn thay đổi.
 

Thép được xem là một trong những ngành khó khăn nhiều nhất trong năm 2011. Ngay những tháng đầu năm, đã có nhiều dự đoán về sự phá sản của một số doanh nghiệp sản xuất thép. Để có cái nhìn rõ hơn về thị trường thép trong năm qua và dự báo về tình hình trong năm tớí, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Nghi – Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.

 

Ông đánh giá như thế nào về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành thép trong năm 2011?

 

Năm 2011 được xem là một năm khá khó khăn đối với ngành thép và khác biệt hoàn toàn so với những năm trước đây, kể cả năm được xem là khó khăn như 2008.

 

Năm 2011 khả năng cao là ngành thép sẽ bị tăng trưởng âm. Ước tính, hết năm 2011 mọi chỉ số đều bị tụt giảm so với năm 2010, cụ thể: sản xuất chỉ bằng 98%, tiêu thụ bằng 97,33% và lượng thép tồn kho dự tính sẽ là 380 nghìn tấn tăng 60 nghìn tấn so với năm trước.

 

Thông thường các năm trước, thời điểm cuối năm công việc xây dựng diễn ra sôi động nhằm hoàn thành kế hoạch và tiêu thụ thép cũng vì thế mà tăng cao, song thực tế năm nay tình hình đã hoàn toàn thay đổi.

 

Tiêu thụ thép bắt đầu giảm sâu trong tháng 10 và bước sang tháng 11 và tháng 12 tình hình vẫn không mấy khả quan khi con số tiêu thụ luôn thấp hơn mức bình quân 420.000 – 450.000 tấn/tháng.

 

Về mặt bằng giá, do phải cạnh tranh khốc liệt nên mức giá mà các doanh nghiệp đưa ra không “vênh” nhau nhiều.

 

Ông có nghĩ rằng năm 2011 là một năm mà ngành thép phải chịu tác động nhiều nhất từ những chính sách vĩ mô của Chính phủ không?

 

Đúng thế. Con số về tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng năm 2011 chỉ đạt khoảng 4,9%, thấp hơn nhiều so với mức 10 – 11% của năm 2009 và 2010 đã phản ánh phần nào điều đó.

 

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường vẫn ở mức 18 – 21% và rất khó tiếp cận đã làm cho thị trường bất động sản – một trong những khách hàng tiêu thụ chính của thép xây dựng tiếp tục đóng băng.

 

Tiêu thụ trong nước khó khăn, phải chăng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu?

 

Nếu mở rộng được xuất khẩu, khai thác hết công suất thiết kế là một điều hết sức đáng mừng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào, thị trường nào cũng là dễ dàng đối với các doanh nghiệp thép Việt Nam.

 

Năm 2011 thép thành phẩm xuất khẩu của Việt Nam là 1,4 triệu tấn có tăng nhẹ so với năm 2010 (1,2 triệu tấn). Cũng trong năm nay tại một số thị trường thì sản phẩm thép của Việt Nam đã bị kiện bán phá giá, như: Các doanh nghiệp Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá và trợ cấp ống thép sang Mỹ, hay sản phẩm thép cán nguội cũng bị Indonexia kiến bán phá giá...

 

Hay ở một số thị trường lân cận như: Lào, Campuchia, Myanmar... Việt Nam cũng bắt đầu xuất khẩu, chủ yếu là thép xây dựng nhưng cũng gặp khó khăn vê cạnh tranh giá với các nước Trung Quốc, Thái Lan.

 

Liệu có xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá giữa các doanh nghiệp thép với nhau không?

 

Có. Trường hợp đưa ra giá quá thấp so với mặt bằng chung (thậm chí chấp nhận lỗ) chủ yếu là rơi vào các doanh nghiệp đa ngành, cần tiền gấp để quay vòng vốn với ngân hàng.

 

Vậy nói về tình hình của các doanh nghiệp thép trong năm qua, ông sẽ khái quát như thế nào?

 

Doanh nghiệp nào có thương hiệu, công nghệ hiện đại thì có lãi chút ít; doanh nghiệp nào không có thương hiệu mà công nghệ còn lạc hậu thì chắc chắn sẽ lỗ.

 

Có hay không sự phá sản của doanh nghiệp thép trong năm qua, thưa ông?

 

Công bố chính thức phá sản thì chưa có. Nhưng do hiện nay phải cạnh tranh khốc liệt về giá và thị phần nên những doanh nghiệp có dây chuyền công nghệ lạc hậu, chi phí cho nguyên liệu đầu vào cao, chi phí lãi vay lớn trước sau cũng sẽ bị đào thải. Đó là quy luật đào thải bình thường của thị trường.

 

Ông đánh giá như thế nào về ngành thép trong năm 2012?

 

Chính phủ khẳng định năm 2012 sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, điều đó có nghĩa rằng sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành thép.

 

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để sàng lọc, buộc ngành thép phải cấu trúc lại. Những doanh nghiệp không đủ khả năng phải bị loại ra khỏi ngành thép. Những nhà máy lạc hậu, quy mô nhỏ sẽ bị đào thải, hoặc các doanh nghiệp sẽ phải liên kết với nhau, tạo dựng thành những thương hiệu mạnh, chuyển hướng đầu tư sản xuất các chủng loại thép trong nước chưa sản xuất được.

 

Doanh nghiệp thép phải tự đứng vững được trước khi chính sách bảo hộ chấm dứt đối với sản xuất thép vào năm 2017, bởi lẽ cuộc chiến về cạnh tranh lúc đó mới thật sự là khốc liệt.

 

Xin cảm ơn ông!

Nguon62 tin: TTVN

ĐỌC THÊM