Theo ông Nguyễn Tiến Nghi – Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, hiện nay khó khăn lớn nhất của ngành thép vẫn là vấn đề đầu ra của sản phẩm chứ không phải nguồn vốn.
Cụ thể, tiêu thụ thép của các doanh nghiệp trong ngành đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, 8 tháng đầu năm nay sản xuất và tiêu thụ thép giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2011, còn nếu so với kế hoạch (dự kiến tháng 9 tăng khoảng 3 – 4%) thì con số này đã sụt giảm nghiêm trọng.
Đáng chú ý, trong quý III thì tiêu thụ của toàn ngành thép đạt rất thấp so với mức trung bình. Ví dụ, tháng 6 tiêu thụ được 297 ngàn tấn, tháng 7 là 351 ngàn tấn, tháng 8 là 356 ngàn tấn… trong khi đó, mức trung bình phải là 400 – 420 ngàn tấn.
Vấn đề tiêu thụ gặp khó khăn không chỉ xảy ra đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà nó trở thành phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới (do kinh tế thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng).
Do đó, tại hầu hết các thị trường thép đều bị dư thừa và điều tất yếu là các doanh nghiệp sẽ tìm các xuất khẩu.
“Nếu các doanh nghiệp trong nước không đưa ra mức giá hợp lý và cơ quan quản lý không có ‘hàng rào’ bảo vệ thì rất dễ xảy ra tình trạng thép ngoại tràn vào thị trường Việt Nam” – Ông Nghi nói.
Cũng vì tình hình tiêu thụ khó khăn nên đã có nhiều nước đưa ra biện pháp tự vệ như: kiện chống bán phá giá, các biện pháp phi thuế quan… để bảo vệ hàng trong nước. Đây sẽ vừa là rào cản đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng là biện pháp mà cơ quan quản lý của Việt Nam nên học hỏi để bảo vệ doanh nghiệp nội địa.
Về vấn đề hàng tồn kho, theo ông Nghi, hiện thép tồn kho cũng khá nhiều nhưng không phải là quá cao và đáng báo động vì đặc thù của ngành thép là sản xuất vẫn phải có một lượng hàng tồn kho (nối gối) nhất định.
“Hầu hết các doanh nghiệp của ngành thép đã đều tính toán, cân đối lại trên cơ sở tiêu thụ của thị trường để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp, tránh tình trạng tồn kho nhiều”.
Cũng theo ông Nghi, vấn đề lớn nhất hiện nay của ngành thép chính là đầu ra, do đó trong lúc chờ các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản (tiêu thụ chính của ngành thép) và đẩy mạnh đầu tư công thì trước mắt nên giảm thuế VAT từ mức 10% xuống mức 5% trong một thời gian nhất định, nhằm khuyến khích người tiêu dùng.
Tôi kỳ vọng rằng thị trường sẽ khá lên trong quý IV này và tình hình tiêu thụ thép sẽ được cải thiện. Ít nhất cũng đạt mức tiêu thụ trung bình, tức 400 – 420 ngàn tấn/tháng – ông Nghi nói.
Nguồn tin: TTVN