Trong tháng đầu năm nay, lượng phôi thép nhập khẩu về Việt Nam tiếp tục tăng đột biến, lên tới 326.000 tấn. Con số này là hồi chuông cảnh báo nguy cơ phá sản của hàng loạt doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam, nếu không áp dụng ngay biện pháp tự vệ thương mại.
Sản xuất thép trong nước đang chịu áp lực rất lớn từ nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ. Ảnh: Đức Thanh
Chỉ cần 1 -2 năm để thép ngoại tiêu diệt ngành thép Việt
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2015, phôi thép nhập khẩu lên tới 1,9 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với năm 2014, bằng 30% lượng phôi sản xuất trong nước. Riêng lượng nhập khẩu phôi của tháng đầu năm đã gấp đôi so với mức bình quân tháng của năm trước.
Với đà này, cả năm 2016, phôi thép nhập khẩu sẽ tăng ít nhất gấp đôi và bước sang năm 2017, thị trường phôi thép sẽ bị chiếm lĩnh hoàn toàn bởi hàng nhập khẩu, trong đó chủ yếu là phôi nhập từ Trung Quốc, với giá bán thấp hơn giá thành sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA phân tích: “Với nhu cầu tiêu thụ khoảng 7 triệu tấn thép xây dựng và 7,5 triệu tấn phôi/năm, quy mô thị trường Việt Nam quá nhỏ bé so với Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, năm 2015, Trung Quốc đã xuất khẩu tới 112,4 triệu tấn thép các loại, trong đó sang Việt Nam khoảng 8,4 triệu tấn. Tình hình này sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa. Sau phôi sẽ là các sản phẩm thép xây dựng khác, bởi khi các doanh nghiệp trong nước đã phụ thuộc vào phôi nhập khẩu, thì rất khó cạnh tranh về giá thành sản phẩm nếu chỉ làm mỗi khâu cán thép”.
“Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và một số sản phẩm thép nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước đang trở nên hết sức cấp bách. Nếu không, chỉ trong vòng 1 - 2 năm, DN thép sẽ bị phá sản hoàn toàn, không loại trừ DN nào”, ông Sưa nhấn mạnh.
Nhận thức được nguy cơ này, 25 DN thép thuộc các thành phần kinh tế từ nhà nước, tư nhân trong nước đến DN có vốn đầu tư nước ngoài đã ủng hộ kiến nghị Bộ Công thương sớm áp dụng biện pháp tự vệ với phôi thép và thép dài.
Bảo vệ ngành thép, phải vì lợi ích lâu dài
Mới đây, trong văn bản trả lời 6 DN ngành thép phản đối việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép, VSA nhấn mạnh: “Quan điểm của Hiệp hội là đi đôi với việc từng bước đầu tư xây dựng và phát triển ngành thép đồng bộ và khép kín, một ngành thép vững mạnh thực thụ, chứ không phải ngành thép đi gia công là bảo vệ sản xuất thép trong nước bằng các biện pháp phòng vệ thương mại theo thông lệ quốc tế… Đây là cân đối bảo vệ lợi ích chung và lâu dài của toàn ngành thép”.
Cần lưu ý là, 6 DN chỉ phản đối áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép, không phản đối áp dụng biện pháp tự vệ với thép dài. Trong số này có cả DN sản xuất phôi, điển hình là Pomina.
Ông Đỗ Duy Thái, Phó chủ tịch HĐQT Pomina chia sẻ, với mức thuế nhập khẩu 9% hiện nay, sản xuất phôi đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu và theo thông lệ quốc tế thì chỉ áp thuế tự vệ với sản phẩm, chứ không áp thuế với nguyên liệu sản xuất.
Tuy nhiên, đại diện một DN sản xuất phôi khác nằm trong nhóm DN kiến nghị Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với phôi thép lại nhấn mạnh: “Vấn đề là, phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc bán phá giá, bán dưới giá thành, chứ không phải là cuộc cạnh tranh lành mạnh”.
Bình luận về việc có sự phân hóa giữa các DN ngành thép về áp dụng thuế tự vệ thương mại với phôi thép, ông Sưa cho biết, DN Trung Quốc đã đầu tư lớn vào ngành thép, nên phải tìm mọi cách vận hành nhà máy, nếu không, thiết bị sẽ hư hỏng, đồng thời họ cũng có thể áp dụng chiến lược bán dưới giá thành để tiêu thụ hàng tồn và mở rộng thị phần trong dài hạn.
Trước mắt, một số DN cán thép, kể cả DN luyện phôi, nhập phôi giá rẻ về cán có thể được hưởng lợi, nhưng chỉ là cái lợi trước mắt. Lý do là, khi đã phụ thuộc vào phôi nhập khẩu, năng lực sản xuất của DN sản xuất lớn trong nước bị triệt tiêu và sản phẩm thép dài, thép xây dựng khác từ Trung Quốc tràn sang chiếm toàn bộ thị trường. Vì thế, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là bảo vệ chung cho ngành thép và phải nhìn lợi ích lâu dài.
Còn nhớ, hơn 10 năm trước, khi 80% lượng phôi phải nhập khẩu, giá nhập khẩu được đẩy lên rất cao. Khi đó, những DN đầu tư sản xuất phôi đã được hưởng siêu lợi nhuận, điển hình như Thép Đình Vũ có tỷ suất lợi nhuận tới 50% trên vốn điều lệ. Nhưng đến khi khủng hoảng kinh tế năm 2008 xảy ra, Thép Đình Vũ gần như bị phá sản, phải bán vốn cho DN khác, khi tồn kho lượng phôi lớn do không có khâu cán để đưa sản phẩm ra thị trường.
Bài học của Thép Đình Vũ là minh chứng cho thấy, ngành công nghiệp luyện kim phải phát triển đồng bộ từ thượng nguồn đến hạ nguồn, ưu tiên chế biến sâu, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng khép kín để tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm trong quá trình hội nhập, chứ không chỉ tập trung vào một khâu nào đó của quá trình sản xuất, nhằm hưởng lợi ngắn hạn.
Trong bối cảnh hầu hết các nước đã có những biện pháp bảo vệ nhà sản xuất nội địa, thì việc DN Việt Nam mong muốn Chính phủ kịp thời có các biện pháp bảo vệ ngành sản xuất thép non trẻ trong nước là hoàn toàn chính đáng, bởi là thị trường nhỏ, lại sát với Trung Quốc, nên áp lực bị hàng giá rẻ “tiêu diệt” là rất lớn.
Nguồn tin: ĐTCK