Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

PHÔI THÉP VÀ THÉP DÀI VIỆT TIẾP TỤC ĐƯỢC BẢO HỘ BẰNG THUẾ TỰ VỆ

 Bộ Công Thương vừa có quyết định kéo dài thời gian áp dụng thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, tuy nhiên mức thuế sẽ giảm xuống còn 21,3% đối với phôi thép và 13,9% đối với thép dài.

 

Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, mức thuế mới sẽ áp dụng từ ngày 22/3/2017, thời điểm mức thuế cũ hết hiệu lực, đến hết ngày 21/3/2018.

Các sản phẩm phôi thép và thép dài được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ. Tại Mục 3, thông báo kèm theo Quyết định số 2968/QĐ-BCT nêu trên, mức thuế tự vệ đối với phôi thép là 23,3% và thép dài là 15,4% sẽ kết thúc vào ngày 21/3/2017.

Theo quy định của Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới mà Việt Nam là thành viên, Bộ Công thương cũng đã quyết định lộ trình áp thuế tự vệ theo hướng giảm dần đối với các mặt hàng phôi thép và thép dài.

Như vậy nếu mức thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 22/3/2017 đến 21/3/2018 không được gia hạn thì các mức thuế tự vệ đối với hai sản phẩm này sẽ tiếp tục được giảm xuống mức 19,3% đối với phôi thép và 12,4% đối với thép dài cho giai đoạn từ ngày 22/3/2018 đến 21/3/2019; xuống 17,3% đối với phôi thép và 10,9% đối với thép dài cho giai đoạn từ ngày 22/3/2019 đến 21/3/2020, và mức thuế tự vệ đối với hai sản phẩm này sẽ về mức 0% từ ngày 22/3/2020 trở đi.


Danh mục các loại thép được áp thuế tự vệ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 22 triệu tấn sắt thép, trị giá gần 11 tỷ USD, tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, gần nửa lượng thép nhập khẩu lại là các loại thép trong nước đã sản xuất được.

Cụ thể, Việt Nam đã nhập hơn 1,1 triệu tấn phôi thép; tôn mạ và sơn phủ màu hơn 1,8 triệu tấn, tăng 30,7% so với năm 2015 và chiếm tới trên 50% thị phần nội địa; thép hợp kim nhập khẩu hơn 8,1 triệu tấn; trong đó có khoảng 1,9 triệu tấn thép dài có thể đã được sử dụng như thép xây dựng thông thường… Điều này đã dấy lên lo ngại về cạnh tranh giữa thép trong nước và thép nhập khẩu giá rẻ.

Để ngăn cản tình trạng này, từ tháng 3/2017, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự vệ lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép.Nhưng điều này lại dẫn đến việc các doanh nghiệp áp mã nhập khẩu khác để lách luật tiếp tục nhập thép.

Ví dụ như thép dây cuộn được nhập khẩu kê khai vào mã 7227.90.00 để hưởng thuế 0%. Sau khi áp thuế tự vệ, lượng nhập khẩu thép cuộn mã này giảm rõ rệt do bị áp thuế tự vệ 15,4%, cụ thể 10 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu chỉ bằng 58% so với cả năm 2015. Trong khi đó, mã thép 7213.91.90 có cùng tính chất theo tiêu chuẩn Việt nam lại xuất hiện tình trạng kê khai nhập khẩu tăng đột biến, với tổng lượng nhập 10 tháng tăng gấp 4 lần lượng nhập năm 2015. Riêng trong tháng 10, việc nhập khẩu tăng cao kỷ lục là 144.000 tấn, bằng 155% lượng sản xuất thép cuộn của toàn ngành thép.

Trước đó, ngày 18/7/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam có mã HS: 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.2041; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.

Ngày 19/1, Bộ Công Thương cho biết, đã có một doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tư vấn về quy hoạch ngành thép. Đơn vị tư vấn nước ngoài được lựa chọn sẽ có trách nhiệm làm rõ xu hướng phát triển ngành thép thế giới và khu vực; đồng thời đánh giá khả năng cạnh tranh của ngành thép Việt Nam so với khu vực và trên thế giới cũng như việc lựa chọn nhà thầu, công nghệ và những đánh giá tác động về môi trường.
Trước đó, ngày 28/12/2016, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá Dự thảo Quy hoạch Hệ thống Sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc đặt hàng một công ty tư vấn nước ngoài để đánh giá dự thảo Quy hoạch hệ thống sản xuất thép Việt Nam của Bộ Công Thương là một việc làm chưa có tiền lệ. Điều này cho thấy Bộ đã lắng nghe ý kiến dư luận xã hội, của các chuyên gia, các nhà phản biện trong thời gian qua về lĩnh vực sản xuất thép và quy hoạch các dự án thép. Thuê một công ty tư vấn nước ngoài, độc lập cũng là cách để đánh giá, nhìn nhận khách quan, cầu thị trong việc xây dựng quy hoạch của ngành. Đồng thời khẳng định quyết tâm Bộ Công Thương sẽ đi đầu trong cảnh cách hành chính vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.

Được biết, theo yêu cầu của Thủ tướng tại Công văn số 2822 ngày 7/12/2016, Bộ Công Thương cần hoàn thiện dự thảo Quy hoạch ngành thép để trình Thủ tướng xem xét vào quý IV/2017.

Nguồn tin: DĐDN

ĐỌC THÊM