Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Phù phép" thép xây dựng thành hợp kim để lách thuế

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã lên tiếng báo động về tình trạng thép "hợp kim" Bo của Trung Quốc tràn vào nước ta với số lượng lớn, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất thép trong nước vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời, bảo vệ sản xuất trong nước.

"Bội thực" thép trong nước

Theo số liệu của VSA công bố, công suất sản xuất của các nhà máy thép trong nước tính đến thời điểm này đạt tới hơn 11 triệu tấn/năm, trong khi khả năng tiêu thụ bình quân hằng năm chỉ đạt khoảng sáu triệu tấn, riêng năm nay ước chỉ đạt 5 đến 5,5 triệu tấn, trong khi lượng thép tồn kho cao (370 nghìn tấn), các DN thép đang chồng chất khó khăn bởi lãi suất ngân hàng, ứ đọng vốn, buộc phải giãn hoặc dừng sản xuất. Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường cho biết, lượng thép tiêu thụ trong sáu tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 2,6 triệu tấn, giảm 17% so cùng kỳ năm 2011. Mặc dù có các chính sách kích cầu tiêu thụ sản phẩm thép trong nước như giãn thuế, hạ trần lãi suất cho vay nhưng vẫn có độ trễ, chưa thật sự có tác dụng. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như giá điện, than, xăng, dầu... liên tục tăng, lượng hàng tồn kho lớn, cho nên các DN thép vẫn gặp vô vàn khó khăn. Trong khi thép sản xuất thừa, do ảnh hưởng của việc cắt giảm đầu tư công, các công trình xây dựng đình hoãn khiến thép tiêu thụ rất chậm, càng khiến ngành thép lao đao. Tiêu thụ ế ẩm, vừa qua các DN thép buộc phải giảm giá thép 200 đến 300 nghìn đồng/tấn, đợt giảm giá thứ hai kể từ tháng 7 đến nay. Mặc dù chưa có đơn vị nào tuyên bố phá sản, nhưng nhiều DN thép đã không có nguồn trả lương công nhân... Nếu cứ tiếp tục đà này, từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 20% DN thép phá sản.

Mối nguy thép hợp kim "lách" thuế

Cùng với sự ứ đọng của thép sản xuất trong nước, các DN thép đã cảnh báo một nguy cơ không kém phần nghiêm trọng, đó là thời gian gần đây thép "hợp kim" có chứa hàm lượng vi chất Bo-ron (Bo) của Trung Quốc lại ồ ạt tràn vào nước ta. Với danh nghĩa "thép hợp kim", từ đầu năm đến nay, đã có gần 150 nghìn tấn thép loại này được nhập khẩu, cao hơn gần ba lần so với cả năm trước (năm 2010 khoảng 25 nghìn tấn, năm 2011 khoảng 53.600 tấn). Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP Vũ Bá Ổn nhận định, "thép hợp kim" Trung Quốc nhập vào nước ta tăng rất mạnh thời gian gần đây là việc bất thường. Thực chất, đây là một loại thép cuộn dùng cho mục đích xây dựng, chứa hàm lượng Bo lớn hơn hoặc bằng 0,0008%. Về lý thuyết, hàm lượng Bo có thể làm gia tăng độ cứng trong thép, thông thường thép hợp kim sẽ được sử dụng cho mục đích cơ khí, chế tạo,... Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia ngành thép, tỷ lệ trên chỉ là vi lượng, không làm thay đổi tính chất vật lý cũng như "mác" của thép, không đủ tiêu chuẩn sử dụng cho cơ khí, chế tạo, và cũng không phải thành phần cần thiết cấu thành chất lượng đối với thép xây dựng. Thực tế, vài năm trở lại đây, từng xảy ra chuyện thép "hợp kim" Bo nhiều đợt nhập khẩu vào nước ta, cạnh tranh thiếu lành mạnh với thép sản xuất trong nước nhờ ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu. Giám định phân loại thép của cơ quan hải quan từ năm 2010 đã phát hiện thấy hiện tượng thép Trung Quốc nhập khẩu khai báo thép hợp kim chứa hàm lượng Bo (từ 0,0008% trở lên) nhưng lại được nhập khẩu làm thép xây dựng. Hiện lượng thép tồn kho của Trung Quốc rất cao do nhu cầu thép thế giới sụt giảm, vì vậy các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xuất khẩu thép sang Việt Nam và các nước ASEAN khác.

Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN - Trung Quốc, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% được áp dụng với các loại thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo (hàm lượng từ 0,0008% trở lên) ở dạng tấm, lá, thanh, que, góc, khuôn hình nhập khẩu từ Trung Quốc. Với chiêu lách luật này, thép Trung Quốc được bán với giá thấp hơn cả triệu đồng mỗi tấn so với thép trong nước. Một số công ty thương mại do ham lợi nhuận đã nhập loại "thép hợp kim" này để bán cho mục đích xây dựng, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và góp phần "bóp chết" thép sản xuất trong nước. Các chuyên gia ngành thép đánh giá, dù biết rất rõ loại "thép hợp kim" này chỉ là chiêu thức "lách" thuế, nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước cũng rất khó sử dụng biện pháp về thuế để ngăn chặn như những năm trước, do buộc phải tuân theo cam kết khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.

Ðể hạn chế việc "lách" thuế và bảo vệ thép sản xuất trong nước, VSA và các DN  thép đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát sau thông quan với sản phẩm thép thông thường và thép hợp kim, nhất là việc đưa vào sử dụng. Sản phẩm nhập về khai báo thế nào phải sử dụng đúng mục đích đó; đồng thời, thực hiện chặt chẽ quy định dán nhãn tiếng Việt trên sản phẩm thép nhập khẩu, ghi rõ thông tin kỹ thuật liên quan. Ðặc biệt, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) phối hợp các cơ quan hữu quan, kịp thời tìm ra giải pháp trợ giúp ngành thép. Trong trường hợp cần thiết, có thể tiến hành biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất thép trong nước. Mặt khác, kêu gọi các doanh nghiệp thương mại không vì mối lợi nhỏ mà hãy vì lợi ích chung của quốc gia, không tiếp tục nhập khẩu "thép hợp kim" cho mục đích xây dựng. Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ ngày 20-9, Thông tư số 23/2012/TT-BCT về chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với các sản phẩm thép sẽ chính thức có hiệu lực. Các DN thép hy vọng với chính sách này, cùng với một số biện pháp phòng vệ của các cơ quan chức năng, sẽ quản lý tốt hơn các sản phẩm thép nhập khẩu, nhất là trước tình hình các sản phẩm thép Trung Quốc "lách" thuế tràn vào nước ta như thời gian qua.

Nguồn tin: nhandan

ĐỌC THÊM