Đống chất thải rắn gồm đất, đá thải bóc ra trong quá trình tuyển quặng sắt của Công ty cổ phần Gang thép công nghiệp Việt Nam chất cao như núi ngay sát thượng nguồn suối Chòi, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) gây nguy cơ xô lũ, đất đá vùi lấp dòng chảy, tràn vào các thửa ruộng phía hạ lưu là rất cao…
Đống chất thải rắn chất cao ven suối phía thượng lưu thuộc khu vực khai trường
của Công ty CP Gang thép Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: baophutho
Việc này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh của người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 17 héc ta đất ruộng canh tác hai vụ lúa, 1 vụ màu mỗi năm của 98 hộ dân khu 13, xã Cự Thắng, gây bức xúc cho nhân dân trong xã.
Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Chi bộ khu 13, xã Cự Thắng cho biết: Mỗi khi mưa lũ, dòng chảy lại đục ngầu đất đỏ từ các đống đất đá thải tuyển quặng của doanh nghiệp xô về, tràn vào các thửa ruộng ven suối. Mới đây, người dân phát hiện Công ty tiến hành đổ chất thải rắn cao như núi ngay sát dòng chảy phía thượng nguồn suối Chòi nên đã có kiến nghị đến xã, huyện. Sau khi kiến nghị, các đoàn kiểm tra đã về lập biên bản, yêu cầu Công ty ngừng tập kết chất thải tại vị trí trên và có biện pháp xử lý, khắc phục phù hợp. Tuy nhiên, hiện đống chất thải này vẫn chưa được xử lý. “Hơn 17 héc ta ruộng lúa của người dân trong xã thì có tới 70% diện tích bị ảnh hưởng, lúa kém phát triển dẫn đến năng suất lúa không cao, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, cần phải xử lý ngay…”- ông Thành bức xúc cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hữu Tám,Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Sơn cho biết: Sau khi nhận được ý kiến kiến nghị về việc Công ty Cổ phần Gang thép Công nghiệp Việt Nam tập kết chất thải rắn tại vị trí sát bờ suối Chòi khu 13, xã Cự Thắng, huyện đã vào kiểm tra, lập biên bản, đồng thời giao cho chính quyền xã và phía Công ty phối hợp giải quyết; yêu cầu Công ty cam kết không tập kết tại vị trí này nữa và phải làm bờ kè khắc phục…
Về vấn đề này, lãnh đạo Công ty cổ phần Giang thép Việt Nam cho biết: Công ty đã dừng đổ chất thải rắn ra phía bờ suối mà chọn vị trí khác. Đống đất, đá thải đã đổ sẽ được xử lý bằng cách xây kè, không để sạt lở, xô xuống suối ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì đến nay đống chất thải này vẫn nằm yên bất động, việc xây kè vẫn chưa có dấu hiệu gì.
Trong thời gian đợi phía Công ty cổ phần Giang thép Việt Nam xử lý, xây kè thì 98 hộ dân với hơn 400 khẩu ở khu 13, xã Cự Thắng vẫn phải chịu ảnh hưởng bởi bùn đất xô xuống, ảnh hưởng đến diện tích canh tác lúa. Mỗi khi mưa lũ đổ về nguồn nước đỏ quạch, không thể sinh hoạt được. Người dân mong muốn các cấp, các ngành nhanh chóng có biện pháp xử lý, khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm này để người dân yên tâm, ổn định sản xuất…
Nguồn tin: tintuc