Nằm giữa lòng Hà Nội, người dân trên đường Đê La Thành lại có một nghề “lem luốc” là buôn bán, gia công sắt thép. Tại đây, người ta có thể tìm thấy từ cái ốc vít bé tí đến tấm sắt nặng hàng tấn.
Và, trên con phố chật chội ấy, thấm đẫm những giọt mồ hôi, thậm chí cả máu… của những công nhân vì miếng cơm, manh áo.
Nhọc nhằn thợ sắt
Giữa đợt cao điểm nóng ở Hà Nội, nắng như chan lửa trên đầu cũng là lúc tôi lang thang trên “phố sắt” Đê La Thành để mục sở thị những người suốt ngày làm bạn với sắt thép.
Tại ngôi nhà số 116, gần mười công nhân đang miệt mài làm việc dưới tiết trời gần 40 độ. Những chiếc quạt công nghiệp thổi vù vù không làm bầu không khí “sặc mùi sắt thép” và khí nóng hầm hập trong nhà giảm bớt. Những chiếc áo công nhân đã ướt đẫm mồ hôi, nhưng họ vẫn miệt mài công việc của mình.
Trong đám công nhân ấy, Trịnh Văn Sử có gương mặt còn khá “sữa.” Những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt, nhỏ xuống tấm bản mã còn dang dở vết cắt, nóng hầm hập, chưa kịp định hình đã xèo xèo tan biến.
Một lúc sau, khi tấm sắt to được “xà xẻo” ra từng miếng, Sử mới quệt mồ hôi trò chuyện cùng người khách lạ. Như bao công nhân làm việc ở cái phố toàn sắt với thép này, Sử bảo, vất vả nhưng làm riết rồi cũng quen. Kế sinh nhai mà!
Học hết lớp 10, Sử mất gần một năm trời để tìm việc. Năm 17 tuổi, Sử được người anh giới thiệu tới 116 Đê La Thành (Hà Nội) học nghề cắt bản mã. Khăn gói từ Thái Thuỵ (Thái Bình) lên Hà Nội, Sử được người chủ cho học nghề ba tháng. Thấy cậu công nhân nhỏ tuổi sáng dạ, tháng thứ 4, Sử đã được chủ trả tiền công, bắt đầu cuộc sống người thợ.
Thật ra, cắt bản mã chỉ là một trong vô vàn thứ nghề ở “phố sắt” Đê La Thành. Sử đã quen với nhiều thứ việc liên quan đến sắt thép như hàn, làm cửa sắt... Làm việc tại đây 8 tiếng/ngày, chủ trả cho cậu 3 triệu đồng và hỗ trợ chỗ ở, điện nước, gas… Bởi thế, Sử cùng nhóm thợ chỉ mất tiền mua thức ăn nên cũng cảm thấy thoải mái. “Mỗi tháng, em gửi về cho bố mẹ được 2 triệu đồng,” Sử khoe.
Tại một cửa hàng làm cửa sắt, cầm trên tay chiếc máy hàn, anh Thành, một người thợ kể rằng, ngày đầu mới học hàn, anh còn bị đau mắt khiến suýt nữa không theo được nghề như một số người mẫn cảm khác. May sao, việc đau mắt ấy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nên anh mới tiếp tục theo nghề, đến nay đã được 5 năm.
Kể về thu nhập, anh bảo trung bình mỗi tháng, chủ bao ăn, ở rồi cũng đút túi được gần 3 triệu. Số tiền ấy, anh sẽ tiêu pha tiết kiệm rồi gửi về cho vợ ở tận huyện Mỹ Đức nuôi các con ăn học.
Rồi anh kể, làm nghề sắt, chỉ không cẩn thận thì rất dễ bị tai nạn: “Nghề làm cửa như tôi còn đỡ, chứ mấy ‘ông’ mài, tiện, lơ đễnh một tí là… đổ máu như chơi. Sinh nghề, tử cũng vì nghề mà.”
Sử thì bảo rằng, tuy chưa chứng kiến trường hợp nào bị mất tay, cụt ngón vì nghề, nhưng cậu từng chứng kiến nhiều người bị dập tay khi bị những khối sắt nặng đè xuống lúc “bưng, bê, bắn, bẩy”…
Phố nghề thời hiện đại
Nghề sắt vốn vất vả là vậy, nhưng hầu như “người gốc” ở Đê La Thành không muốn bỏ nghề, bởi nó không chỉ là thứ “gia truyền” mà còn đem lại thu nhập ổn định.
Cụ bà bán trà đá ở đầu Ô Chợ Dừa, mái tóc đã bạc trắng mủm mỉm kể với người khách lạ về cái “phố sắt” mà mình sinh sống cả đời người. Theo lời cụ, trước kia, người dân ở phố này làm nghề buôn đồng nát, sắt vụn. Nhiều người khi ấy phải rong ruổi đạp xe khắp nơi để thu gom phế liệu, về bán cho các đại lý.
Khi đất nước mở cửa, theo cơ chế thị trường, người ta chuyển dần sang buôn sắt thép xây dựng, sắt tấm, bu-lông, ốc vít, làm then hoa cửa sắt… Bây giờ thì hễ có cái gì liên quan đến sắt, thép từ con ốc vít đến cả khối sắt lớn vài tấn, thậm chí cả mỡ bôi trơn… người ta cũng tìm đến Đê La Thành. Bởi lẽ ấy, dân trong nghề mới gọi đây là “phố sắt.”
Đồng tình, chủ của cửa hàng số 116 cho hay, có khá nhiều người sinh sống bằng nghề sắt đến nay tại Đê La Thành đã hai, ba thế hệ. Và theo ông, rõ ràng đây là một “phố nghề thời hiện đại.”
“Nếu như các phố tên Hàng hiện nay ở Hà Nội hầu hết đã không còn như xưa, thì Đê La Thành vẫn vững vàng nghề sắt. Rõ ràng đây là phố nghề chứ còn gì nữa,” ông nói.
Tuy nhiên, Đê La Thành nằm ở trung tâm Hà Nội, khiến cái nghề sắt thép không chỉ lem luốc mà hơi tí là… tắc đường. Lấy ví dụ, khi bán thanh sắt hình chữ V cho khách, dài đến… 6m, phải lôi ra đường rồi mới quay dọc cho khách mang đi. Điều này đã không ít lần làm con đường bé nhỏ rơi vào tình trạng ùn tắc.
Thêm vào đó, tiếng máy mài, máy cắt sắt rít từng hồi ken két nghe rất chói tai.
Biết đó là mặt tồn tại cần khắc phục, song nhiều chủ cửa hàng cho rằng, nghề này là một thứ tất yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Họ mong muốn cơ quan chức năng có cơ chế, chính sách hợp lý, giúp di dời xưởng đến khu công nghiệp để an tâm sản xuất. Còn mặt phố, họ sẽ chuyển đây thành văn phòng, là nơi bán hàng sắt thép để Đê La Thành vẫn là phố sắt trong tâm thức nhiều người./.
"Sưu tầm"