Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Qua năm mới cho vay tiền

 
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang rối khi từ nhiều ngày qua ngân hàng (NH) đã dừng cho vay và cho biết chỉ xét cho vay trở lại vào đầu năm 2010. Một số trường hợp đã vay, khi đáo hạn NH thu nợ luôn thay vì tiếp tục cho vay.
Lý do NH dừng cho vay là không còn nhiều vốn và đã sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm 2009.

Các lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2009 - Đồ họa: Ngọc Thành

Vay làm gì cũng khó
Chị T., nhân viên một công ty nước ngoài tại Khu công nghiệp VN - Singapore, cần vay vốn NH mua nhà nhưng gõ cửa các NH cổ phần lớn là Á Châu (ACB), Techcombank và Eximbank đều có chung câu trả lời “tạm ngưng cho vay, sang năm 2010 mới giải quyết”. Ngay doanh nghiệp cũng khó tiếp cận vốn.
Ông Nguyễn Đức Thanh - giám đốc Công ty TNHH nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An, Long An - cho biết mới đây NH thông báo tạm ngưng cho vay, chờ sang năm 2010 mới cho vay lại. Ông Thanh cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán nếu NH vẫn hạn chế cho vay, doanh nghiệp sẽ phải vay bên ngoài với lãi suất cao hơn.
Theo ông Trần Quốc Mạnh, tổng giám đốc Công ty Sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco), hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa đều khó tiếp cận vốn vay, đặc biệt các dự án triển khai từ quý 4-2009 do NH đã hết hạn mức. Hiện chỉ có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có nguồn thu ngoại tệ mới được NH ưu tiên giải quyết.
Ông Chu Văn An, phó tổng giám đốc Công ty thủy sản Minh Phú, cho biết vẫn được NH cho vay do là khách hàng lớn, có sử dụng nhiều dịch vụ khác của NH. Còn ông Nguyễn Ngọc Anh, tổng giám đốc Công ty đầu tư thương mại SMC, cho rằng cái khó của doanh nghiệp không phải là lãi suất tăng mà là không được vay. Vay lại khoản vay cũ đã khó nói gì đến vay bổ sung.
“Chẳng hạn, doanh nghiệp cần vốn lưu động 10 tỉ đồng/tháng, nay bị siết còn 6-7 tỉ đồng/tháng thì tất yếu doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng dây chuyền. Khi doanh nghiệp không có tiền trả nợ cho bên bán hàng thì bên bán hàng nợ lại của doanh nghiệp khác hoặc không trả nợ được cho NH...” - ông Anh nói.
Khi nào cho vay lại?
NH Việt Á cho biết ba tháng trở lại đây đã hạn chế cho vay vì huy động VND tăng chậm trong khi mục tiêu tăng tín dụng đề ra từ đầu năm là 70% gần như đã chạm đích. Hiện NH dồn vốn cho những hợp đồng đã ký trước đây, đồng thời cơ cấu lại các khoản vay, doanh nghiệp kinh doanh tốt mới được vay lại, ngược lại sẽ thu hồi nợ.
NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng thu hẹp đối tượng cho vay. Ông Hồ Xuân Nghiễm, phó tổng giám đốc, cho biết chỉ cho vay với khách hàng có sử dụng nhiều dịch vụ của NH. Ông Nghiễm cho biết nguồn vốn NH trong thời gian gần đây không còn dồi dào nên phải ưu tiên vốn cho những khách hàng làm ăn có hiệu quả. Ông cũng cho biết Sacombank đã đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 57%. Ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, cho biết hiện nay tăng trưởng tín dụng ở hầu hết các NH tại TP.HCM đều đã đạt hoặc vượt kế hoạch.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tình trạng thiếu vốn vào cuối năm là điều tất yếu vì nhu cầu tăng rất lớn. Doanh nghiệp cần tiền để trả nợ, thanh toán lương, cá nhân rút tiền để mua sắm... khiến lượng tiền gửi ở NH giảm mạnh, buộc NH phải hạn chế cho vay mới.
Bao giờ NH sẽ cho vay trở lại bình thường? Theo ông Đỗ Minh Toàn - phó tổng giám đốc ACB, hiện đã sắp hết năm 2009, sang năm 2010 tăng trưởng tín dụng cũng sẽ 25-30%. Do vậy, dự đoán tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng 1 và 2-2010 sẽ tăng lại. Thế nhưng, tổng giám đốc một NH thương mại cho biết còn tùy thuộc vào nguồn vốn vì gần đây huy động vốn rất khó khăn. Ông Nghiễm nhận định sau Tết Nguyên đán NH mới có thể cho vay lại bình thường khi nguồn vốn đã bớt căng thẳng.
 

Coi chừng ách tắc
Theo thông lệ, vào cuối năm nhu cầu thanh toán, mua sắm tăng mạnh, chẳng những sử dụng hết tiền có trên tài khoản, kéo tiền gửi tại NH giảm mạnh mà doanh nghiệp, cá nhân còn vay mượn thêm. Đây cũng là lúc nhu cầu vốn và tiền mặt tăng vọt. Để đáp ứng nhu cầu này, NH Nhà nước phải bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua các NH.
Thế nhưng, đầu tháng 11-2009, NH Nhà nước đã phát tín hiệu sẽ siết chặt nguồn tiền để kiểm soát tín dụng theo mục tiêu chống lạm phát. Với tín hiệu này, các NH hiểu rằng năm nay không thể trông chờ NH Nhà nước mà phải tự gói ghém khoản vốn còn lại để đảm bảo chi trả cho khách hàng trong các tháng trước tết. Nếu tiếp tục cho vay sẽ không còn tiền để trả cho doanh nghiệp.
Theo nhận định của các chuyên gia NH, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, NH Nhà nước đã đạt hai mục tiêu. Thứ nhất là giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010, giảm sức ép lên tỉ giá. Doanh nghiệp A không vay được tiền để nhập hàng thì cũng không có nhu cầu mua ngoại tệ. Nhiều doanh nghiệp không vay được tiền sẽ khiến nhu cầu ngoại tệ giảm. Thứ hai là nếu hãm được đà tăng tín dụng năm 2009 sẽ giảm bớt đà tăng tín dụng của năm 2010, loại bớt nguy cơ dẫn đến lạm phát cao trong năm 2010.
Giả sử kết thúc năm 2009, dư nợ tín dụng cả nền kinh tế là 100 tỉ đồng thì qua năm 2010 nếu tín dụng tăng 30%, tổng dư nợ cuối năm 2010 là 130 tỉ đồng. Nhưng nếu dư nợ tín dụng cuối năm 2009 tăng lên 120 tỉ đồng, cũng với mức tăng 30%, dư nợ cuối năm 2010 sẽ là 156 tỉ đồng... Cho vay nhiều, tiền trong lưu thông cao, nhiều người có tiền mua hàng sẽ gây áp lực lên lạm phát.
Thế nhưng, các chuyên gia NH cũng cho rằng cho vay nhiều chưa hẳn là nguyên nhân dẫn đến lạm phát mà là cho vay không thu được nợ, tiền từ NH đổ vào các dự án kém hiệu quả và không quay trở về NH mới là nguy cơ dẫn đến lạm phát. Vì vậy, quá chặt tay khi kiểm soát tín dụng có thể dẫn đến đình đốn, ách tắc. Ngoài ra, lạm phát còn do nhiều nguyên nhân, do bội chi ngân sách, thiên tai (dẫn đến giá cả tăng) hoặc từ yếu tố bên ngoài như giá dầu và nguyên liệu trên thế giới tăng cao, đâu phải chỉ do yếu tố tiền tệ.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng đừng nên cột đà tăng tín dụng ở con số cố định mà phải linh hoạt, tùy vào chất lượng tín dụng và tăng trưởng của nền kinh tế. Phải cảnh giác với lạm phát. Nhưng tiền tệ là máu huyết, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng “thiếu máu”, dẫn đến tăng trưởng chậm nếu tín dụng bị kiểm soát quá chặt. Ông Ngân cũng lưu ý phải cân nhắc vì tín dụng những tháng cuối năm 2009 tạo đà tăng trưởng của năm 2010.
T.TU.

ĐỌC THÊM