- Theo thông tin tại hội thảo "Tư vấn phát triển công nghiệp gang thép Việt Nam" vừa diễn ra sáng 7/4, quy hoạch phát triển ngành thép VN giai đoạn 2007-2015 có xét đến 2025 (gọi tắt là "Quy hoạch thép) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ, mục tiêu đến năm 2020, VN sản xuất 15-18 triệu tấn thép các loại, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đáng chú y, trong 32 dự án này, chỉ có 3 dự án nhà máy thép liên hợp quy mô lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, 5 dự án quy mô vừa đã được Bộ Công thương có ý kiến thỏa thuận, còn lại 24 dự án quy mô vừa và nhỏ chưa phù hợp Luật Xây dựng, kể cả một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, có thời kỳ chỉ trong mấy tháng có tới 5 dự án liên hợp thép được cấp phép và ký kết thỏa thuận liên doanh, có doanh nghiệp (DN) VN trong vòng 2 tháng ký với hai đối tác nước ngoài để xây dựng 2 nhà máy liên hợp thép công suất 5-10 triệu tấn/năm, hoặc trên cùng một khu vực có nhiều dự án thép được cấp phép đầu tư như ở khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) hay khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi).
Theo đánh giá chung, quá nhiều dự án thép nằm ngoài quy hoạch và nhiều dự án liên hợp thép với quy mô công suất lớn đã dẫn tới cung vượt xa cầu và nhiều bất lợi khác. Điều này một phần do quy định của Luật Đầu tư khá thông thoáng, thủ tục đăng ký đầu tư trong và ngoài nước đơn giản, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan quản lý trong chỉ đạo và điều hành sản xuất thép. Ngoài ra, mỗi dự án liên hợp thép chiếm 1.000 - 3.000 ha đất (chưa kể diện tích cảng biển và các ngành công nghiệp hỗ trợ), nhiều dự án chia nhiều giai đoạn hoặc triển khai chậm, nhiều năm không triển khai đã phải thu hồi giấy phép, dẫn tới lãng phí lớn và thiệt hại cho nền kinh tế bởi đất nông nghiệp bị chiếm dụng.
Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc luyện kim VN kiêm chủ tịch Hiệp hội Thép VN cho biết, do báo cáo từ các địa phương chưa đầy đủ nên thực tế, số lượng dự án thép ngoài quy hoạch còn lớn nhiều chứ không dừng lại ở con số 32. Hiệp hội cùng Bộ Công thương và các ngành liên quan đang tiếp tục khảo sát trên cả nước để đưa ra kết quả chính xác, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, các chuyên gia ngành thép thống nhất cần xem xét kỹ 7 tiêu chí trước khi lựa chọn các dự án đầu tư gang thép, gồm: Sự phù hợp quan điểm, đường lối quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch phát triển vùng của cả nước; bảo đảm đầu vào và đầu ra rõ ràng, có cơ sở; thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hợp lý; địa điểm xây dựng, điều kiện giao thông và nguồn cung cấp điện, nước; vấn đề môi trường; tiềm lực kỹ thuật công nghệ và tiềm lực tài chính.