Với gần một nửa dự án “vượt rào” trên tổng số 65 dự án sản xuất thép đã và sẽ đi vào sản xuất, quy hoạch ngành thép đang trong tình trạng “mở đến vỡ kế hoạch” và hệ lụy mang lại sẽ không chỉ dừng lại ở tình trạng “bội thực thép”. Lúc này, các giải pháp “rắn” đưa ra cũng khó lòng xoay chuyển tình thế.
Hệ lụy đã được cảnh báo
Ngay từ đầu năm 2008, tức là chỉ sau vài tháng Quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007 đến 2015 được Chính phủ phê duyệt, những cảnh báo về tình trạng dư thừa công suất thép trong nước, mất cân bằng cung cầu thép, mất cân bằng về năng lượng và cơ sở hạ tầng, lãng phí vốn đầu tư xã hội, ô nhiễm môi trường... đã được nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm “làm thép” liên tục nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi, từ khi quy hoạch thép được phê chuẩn đến nay, VSA đã có một loạt công văn gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cảnh báo về tình trạnh này.
Nhưng năm này qua năm khác, tình trạng đầu tư tràn lan, theo phong trào trong ngành thép vẫn không thay đổi. Ngay cả khi Bộ Công Thương vào cuộc và Chính phủ đã có văn bản ngày 19/3/2009 chỉ đạo tạm dừng cấp phép dự án thép thông thường thì “cơn sốt nhà nhà làm thép, tỉnh tỉnh làm thép” không vì thế mà hạ nhiệt.
Tính đến nay, cả nước có tới 30 tỉnh, thành có dự án sản xuất gang thép, trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu có tới 15 dự án, Hải Phòng 9 dự án; Phú Thọ và Hà Tĩnh có 4 dự án; các tỉnh có 3 dự án là Thái Nguyên, Hải Dương, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hưng Yên...
Hiện VSA hết sức lo ngại bởi ngành sản xuất thép trong nước đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh khốc liệt không chỉ đến từ khu vực ASEAN (với mức thuế suất nhập khẩu thép là 0%) và từ cường quốc sản xuất thép Trung Quốc (với năng lực sản xuất thép lớn nhất thế giới) mà còn từ chính nội bộ các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Trong khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép hàng tháng, hàng năm hiện chỉ đạt trên 60% công suất sản xuất thì việc nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép trong nước khốn đốn, thậm chí trên bờ vực phá sản khi giá thép thế giới “nóng lạnh” thất thường như thời gian vừa qua chính là minh chứng rõ nét nhất.
Vì vậy, để xảy ra tình trạng “mở đến vỡ kế hoạch” rồi mới thực thi những giải pháp “rắn” như đình chỉ, rút giấy phép đầu tư hoặc chuyển đổi chủ đầu tư đối với các dự án “vượt rào” hoặc kém hiệu quả như đề nghị mới đây Bộ Công Thương là rất khó thực hiện bởi hầu hết các dự án này đã đi vào sản xuất hoặc chuẩn bị hoàn thành.
“Ngăn thì phải ngăn từ lúc cấp phép. Còn bây giờ, theo sự phân cấp của Chính phủ, các địa phương có quyền cấp phép cho các dự án có quy mô dưới 1.500 tỷ đồng. Vì vậy, cũng không thể trách các doanh nghiệp làm thép khi họ có giấy phép đầu tư của tỉnh,” ông Nghi nói.
Siết lại kỷ cương
Mặc dù là Phó Chủ tịch VSA nhưng bản thân ông Nghi cũng không hiểu hết thực chất của quy trình cấp phép đầu tư vào ngành thép ở Việt Nam. Thông thường, ở các nước trên thế giới, sau khi nhận được sự đồng ý trên nguyên tắc lập dự án đầu tư, nhà đầu tư sẽ lập dự án đầy đủ trình lên cơ quan có thẩm quyền xem xét. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ triệu tập các bộ, ngành liên quan, hiệp hội thép nghiên cứu phản biện. Dự án cũng được một cơ quan tư vấn độc lập đánh giá về tính khả thi.
Cuối cùng, dự án sẽ được trình lên cơ quan có thẩm quyền hoặc Chính phủ hoặc Quốc hội xem xét ra quyết định dựa trên các đánh giá về tính khả thi của dự án và dựa trên năng lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm làm thép thực sự của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, việc cấp phép đầu tư vào ngành thép ở Việt Nam không theo quy trình này. Về phía VSA, mặc dù có chức năng tư vấn phản biện cho các dự án thép nhưng lại chưa từng được các cơ quan chức năng “tạo điều kiện” cho hiệp hội thực hiện chức năng này.
Hai dự án sản xuất thép cán nóng ở khu công nghiệp Vũng Áng-Hà Tĩnh là ví dụ rõ nét nhất. Dự án Liên hợp thép liên doanh giữa Tập đoàn Tata (Ấn Độ) và Tổng Công ty Thép Việt Nam tổng mức đầu tư 5 tỷ USD được Bộ Công Thương đánh giá là khả thi, đã hoàn thành luận chứng kinh tế FS và trình xin giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6/2008 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép.
Trong khi đó, vị trí dự kiến xây dựng nhà máy của Tata lại được tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cho Dự án khu liên hợp thép Formosa của Đài Loan tổng vốn đầu tư 7,9 tỷ USD.
Điều đáng nói là Formosa vào sau và chủ đầu tư Formosa lại không có kinh nghiệm “làm thép” theo như đánh giá của nhiều chuyên gia luyện kim.
Cũng chính bởi những hạn chế trong quy trình cấp phép và điều kiện cấp phép nên một dự án có quy mô lớn lên tới 9,8 tỷ USD là dự án Khu liên hợp Thép Cà Ná-Ninh Thuận đã được giao cả cho chủ đầu tư Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sau khi Tập đoàn Lions (Malaysia) rút khỏi dự án.
Trong khi đó, Vinashin chỉ là tập đoàn đóng tàu và ít kinh nghiệm làm thép. Vì vậy, không có gì là khó hiểu khi dự án đã động thổ từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn không thể triển khai.
Theo ông Nghi, các dự án lớn đã như vậy, các dự án quy mô dưới 1.500 tỷ đồng được các địa phương cấp phép lại càng không theo các quy định đã có. Với sức ép chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhiều địa phương đã “cố đấm” làm thép mà không cần quan tâm đến các điều kiện cần thiết.
Ngoại trừ 2 dự án của Thép Việt và Thép Miền Nam đầu tư lò điện có công suất 70 tấn/mẻ của Italy thì hầu hết các dự án thép hiện nay đều sử dụng những công nghệ và thiết bị của Trung Quốc đã thải loại, do đó khó lòng đáp ứng các điều kiện như tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường...
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, trong một trả lời phỏng vấn gần đây với báo chí, đại diện của Bộ Công Thương đã thừa nhận sự phối hợp quản lý giữa sở công thương, địa phương với ban quản lý các khu công nghiệp chưa đồng bộ, chặt chẽ với nhau.
Vì vậy, mặc dù Bộ Công Thương đã nhiều lần gửi công văn về các các địa phương yêu cầu báo cáo việc cấp phép sản xuất thép nhưng trên thực tế có rất ít địa phương thực hiện hoặc thực hiện nhưng báo cáo không đúng thực tế.
Trước tình trạng quy hoạch ngành thép “mở đến vỡ kế hoạch” như hiện nay, Bộ Công Thương khẳng định sẽ rà soát kỹ lưỡng và tiến hành khảo sát thực tế các dự án, chứ không chỉ dựa trên báo cáo của địa phương.
Bộ Công Thương cũng sẽ xem xét một số dự án “vượt rào” nhưng có khả năng sản xuất những mặt hàng thép trong nước chưa sản xuất được như thép cán tấm nóng, thép hình, phôi, sắt xốp, gang... để đưa vào quy hoạch ngành thép bởi xét đến cùng, tính hiệu quả của dự án là quan trọng nhất chứ không phải vấn đề tại sao có quá nhiều dự án thép.
Trong khi những tranh luận xung quanh độ “mở” của quy hoạch ngành thép vẫn chưa dừng lại thì VSA vẫn tiếp tục cảnh báo Bộ Công Thương cần siết chặt lại kỷ cương trong đầu tư ngành thép nếu không muốn nhận thêm bài học cay đắng về đầu tư tràn lan, kém hiệu.
(TTXVN/Vietnam+)