Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Quản trị chi tiêu công trong suy thoái

 
Quản trị chi tiêu công làm sao cho khoa học, chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả, hạn chế cao nhất thất thoát, lãng phí đang là một vấn đề lớn đặt ra, nhất là trong bối cảnh suy giảm kinh tế. Tại cuộc hội thảo “vai trò của kiểm toán nhà nước (KTNN) trong việc nâng cao hiệu quả của chi tiêu công” KTNN tổ chức ngày 2.6 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế, một số đại diện các bộ, ngành đã nêu ra nhiều ý kiến đáng chú ý
 
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, trưởng ban nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, do tính cấp bách của việc cứu giúp nền kinh tế, bộ máy nhà nước có thể sao nhãng bài toán hạn chế lãng phí, thất thoát. Theo ông, một thể chế nhà nước quan liêu, tham nhũng sẽ càng làm cho sự thất thoát, lãng phí nguồn lực tài chính công lớn kể cả trong trường hợp các khoản chi tiêu công được rót đúng thời điểm, không quá kéo dài… “Một vấn đề đáng lo khác là sự “bành trướng” các khoản chi tiêu công gây ra thâm hụt ngân sách lớn còn có thể dẫn tới bất ổn kinh tế vĩ mô. Và để ổn định lại nền kinh tế, chi phí bỏ ra sẽ không hề nhỏ”, ông Thành nói.
 
Một số chuyên gia khác đưa ra đánh giá, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều nước đưa ra các gói kích thích kinh tế lớn trong đó Việt Nam cũng có một gói kích cầu theo như công bố khoảng 8 tỉ USD. Với một phạm vi đối tác và nguồn quỹ khá rộng, một điều chắc chắn là trong ngắn hạn, việc giám sát triển khai cả gói kích cầu sẽ không đầy đủ. Người ta dễ tạm thời bỏ qua những sai sót trong quá trình thực thi. Và tham nhũng, đi kèm thất thoát, có thể có thêm đất nảy nở.
 
Theo ông Đinh Văn Nhã, phó chủ nhiệm uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, trong nhiều năm qua, mặc dù chi tiêu công không ngừng tăng cao nhưng đáng lo ngại là chưa có nhiều các cuộc giám sát chuyên về chi tiêu từ ngân sách nhà nước. Ngay cả khi có kết quả của một số cuộc giám sát thì các công cụ để giám sát đã không được sử dụng có hiệu quả như báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các phiên họp điều trần… “Chúng ta chưa giám sát đánh giá được hiệu quả chi tiêu công, xác định rõ về định lượng, mức độ hiệu quả sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước, mà phần lớn nặng về định tính trong nhận định đánh giá”, ông Nhã nói.
 
Để nguồn lực tài chính công, vốn không phải quá dồi dào bị chi tiêu sai địa chỉ, không đúng mục đích, theo một số đại biểu, KTNN với vai trò là một công cụ giám sát của Quốc hội là rất lớn. Trong nhiều năm qua, mặc dù số đơn vị được kiểm toán mỗi năm rất lớn nhưng theo đánh giá của chính KTNN, hiệu lực và hiệu quả của những phát hiện, kiến nghị của KTNN còn thấp. Uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, kết quả kiểm toán, đánh giá về hiệu quả kinh tế của chi tiêu công của KTNN còn yếu. Nhưng nếu KTNN làm tốt vai trò của mình, nguồn lực tài chính công, kể từ khâu lập dự toán, phân bổ cho đến khi quyết toán sẽ được giám sát chặt chẽ hơn. Các số liệu, kết quả kiểm toán của KTNN nếu đủ độ tin cậy sẽ giúp Chính phủ hoạch định được chính sách chi tiêu hợp lý hơn.
 
Tuy nhiên, như ông Vương Đình Huệ, tổng KTNN thừa nhận tại hội thảo, lâu nay, KTNN chủ yếu làm nhiệm vụ hậu kiểm (chủ yếu kiểm toán các báo cáo quyết toán ngân sách các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp). Trong khi đó, ở nhiều nước hiện nay, kiểm toán đã triển khai phương thức kiểm toán “đầu vào” hay còn gọi là “tiền kiểm”. Bằng cách này, KTNN có thể ngăn ngừa những sai phạm có thể xảy ra. Hơn nữa, kết quả kiểm toán đầu vào: các dự toán, kế hoạch chi ngân sách, quá trình triển khai, cảnh báo các rủi ro… cũng giúp cho Quốc hội, Chính phủ phát hiện những bất hợp lý, sai sót trong cơ cấu chi, giúp phân bổ ngân sách chính xác, đúng đối tượng và tập trung. Tuy nhiên, không hiểu sao, qua nhiều lần thảo luận về vấn đề này, phương pháp kiểm toán “đầu vào” vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam.
 
(SGTT)

ĐỌC THÊM