Từ 7 năm nay, Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân (công suất 500.000 tấn/năm, vốn đầu tư gần 3.300 tỉ đồng) tại KCN Cái Lân, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh không hoạt động. Do nhà máy ngừng hoạt động trong thời gian kéo dài, các thiết bị máy móc đã han gỉ, phủ bụi, dần trở thành đống phế liệu. Nhưng đến nay, các cơ quan chức năng chưa có phương án vận hành trở lại nhà máy hoặc bán thu hồi số tiền đầu tư về ngân sách nhà nước.
Thiết bị trong nhà máy cán thép Cái Lân đang xuống cấp.
Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân, Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân do Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) xây dựng từ năm 2003 trên diện tích 15 ha, mức khai toán 3.300 tỉ đồng. Theo thiết kế giai đoạn đầu, nhà máy có công suất 500.000 tấn sản phẩm/năm. Với dây chuyền, công nghệ của Đức và Trung Quốc, nhà máy có thể sản xuất các tấm thép có độ dày từ 5mm đến 50mm, rộng từ 1,6m đến 3m; dài từ 6m đến 18m...
Tháng 6/2010, khi mẻ thép đầu tiên của nhà máy ra lò, ngành đóng tàu trong nước kỳ vọng sẽ có nguồn cung ứng thép tấm khổ lớn thay thế nhập khẩu, phục vụ đóng những tàu biển tải trọng lớn trong các nhà máy sản xuất của Vinashin. Lúc này, nhà máy có trên 200 lao động và kỹ sư vận hành các trang thiết bị, máy móc. Tháng 9-2010, nhiều lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Vinashin vướng vòng lao lý khiến nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân phải dừng hoạt động. Do đó, các dự án của nhà máy cán nóng thép dở dang, chưa thể quyết toàn. Tháng 10-2013, Tập đoàn Cộng nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được đổi tên thành Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC). Theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy được Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo, Công ty cán nóng thép tấm Cái Lân là đơn vị nằm trong nhóm: giải thể, phá sản, bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa…
Theo ông Hoàng Việt Văn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy: trong KCN Cái Lân, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có Cụm công nghiệp tàu thủy với diện tích 51 ha gồm: Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân, Nhà máy sản xuất cửa nhựa, Nhà máy phát điện diesel công suất 39 MW, Công ty kết cấu thép và một số đơn vị bên ngoài... Thời điểm này, Công ty TNHH MTV Cán nóng thép Cái Lân có 50 lao động. Trong số đó, có 41 người làm công tác bảo vệ 3 nhà máy của SBIC đã ngừng hoạt động nhiều năm.
Trong khuôn viên nhà máy thép có 3 hạng mục gồm: hạ tầng, xây dựng nhà máy và thiết bị phụ trợ. Nhà máy cán thép được đầu tư hiện đại nhất khu vực đang xuống cấp nghiêm trọng. Do lâu ngày không duy trì bảo dưỡng, nước biển ngấm làm hỏng hệ thống thủy lực chìm (lắp đặt dưới hầm sâu 8,5m, điều khiển trục quay máy cán chính). Hàng ngày, các công nhân tại nhà máy duy trì 11 máy bơm chống ngập. Để duy trì lực lượng bảo vệ 3 nhà máy, Công ty TNHH MTV Cán nóng thép Cái Lân bỏ ra khoảng 300 triệu đồng/tháng để trả lương và điện thắp sáng. Nguồn kinh phí này được thu từ việc cho thuê mặt bằng, diện tích trống của nhà máy cho một số doanh nghiệp làm bãi đỗ xe và kho chứa hàng...
Trước tình hình trên, Công ty TNHH MTV Cán nóng thép Cái Lân và Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã nhiều lần gửi văn bản tới các bộ, ngành kiến nghị về phương án xử lý. Đồng thời, đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các cơ quan trung ương cũng cử các đơn vị xuống khảo sát, tìm hiểu thực trạng nhà máy nhưng đến nay chưa có kết quả cụ thể. Ngoài ra, từ năm 2011 đến 2015, đơn vị chủ quản của Công ty cán nóng thép tấm Cái Lân giới thiệu nhiều đối tác nước ngoài đề nghị mua lại Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân. Một số đơn vị quan tâm đã tiến hành khảo sát.
Tuy nhiên, do số nợ tài chính của Công ty cán nóng thép tấm Cái Lân rất lớn (riêng phần lãi vay chiếm đến hơn 30% số nợ). Trong khi, máy móc thiết bị của nhà máy để lâu năm không sử dụng đã xuống cấp rất nhiều. Bên cạnh đó, các phương án chuyển nhượng và cổ phần hóa nhà máy cán nóng thép Cái Lân cũng gặp khó khăn cơ bản như phương án bán. Về mặt kinh tế, không có nhà nào đầu tư nào mua cổ phần của một đơn vị chưa có khả năng tạo ra lợi nhuận. Do đó, việc kêu gọi cổ phần hóa cho một đơn vị chưa thể hoạt động rất khó khăn.
Theo ông Hoàng Việt Văn, hiện nay giá thép tấm trên thị trường khá rẻ so với thép sản xuất trong nước khiến các phương án đưa nhà máy cán thép hoạt động trở lại chưa khả thi. Chi phí nhập phôi thép chuyển về nhà máy sản xuất khiến giá thành sản phẩm đắt hơn chi phí mua thép tấm bên ngoài, chưa kể sản xuất ra thép. Điều này khiến giá thành thép sản xuất trong nước cao, không có sức cạnh tranh với thị trường nên chưa có nhà đầu tư để nhà máy hoạt động trở lại. Sau 7 năm "đắp chiếu", đến nay, việc vận hành trở lại hoặc bán, cổ phần, chuyển nhượng, sáp nhập, giải thể nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân trị giá hàng nghìn tỷ đồng vẫn là bài toán chưa có lời giải...
Nguồn tin: Tài Nguyên & Môi Trường