Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Quặng sắt - sợi dây níu quan hệ Trung Quốc-Australia?

Quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Australia xuống cấp trầm trọng thời gian gần đây với hàng loạt các biện pháp trả đũa lẫn nhau. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của hai bên về mặt hàng quặng sắt khiến việc “dứt tình” cũng không hề dễ dàng.

Bên sẵn có, bên "khát" hàng

Rượu và lúa mì. Tôm hùm và gỗ. Thịt bò và lúa mạch. Hàng loạt các rào cản thương mại của Trung Quốc liên tục được áp lên các mặt hàng của Australia xuất khẩu đến Trung Quốc khi quan hệ ngoại giao của hai bên không thuận buồm xuôi gió.

Nhưng mặt hàng quặng sắt được xem như có vị trí độc quyền so với các mặt hàng khác. Hiện Australia là nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới trong khi Trung Quốc đang “khát” mặt hàng này cho các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Australia khai thác hơn 910 triệu tấn quặng sắt trong năm tài chính 2019-2020, gần gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh là Brazil.

Quặng sắt là một thành phần quan trọng trong sản xuất thép. Với việc Trung Quốc đưa ra gói kích thích 500 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng để giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, nhu cầu của Bắc Kinh đối với quặng sắt lớn nhất từ trước tới nay.

Đòn cản trở thương mại

Quan hệ ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc rơi vào tình trạng lạnh nhạt cách đây một năm, sau khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Chính phủ Trung Quốc cho rằng yêu cầu của Thủ tướng Morrison là "thao túng chính trị". Kể từ đó, hàng hóa xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc phải đối mặt với các rào cản ngày càng tăng.

Năm 2020, tổng đầu tư của Trung Quốc vào Australia giảm 62%.

Quặng sắt là một thành phần quan trọng trong sản xuất thép. Với việc Trung Quốc đưa ra gói kích thích 500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng để giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, nhu cầu của Bắc Kinh đối với quặng sắt lớn nhất từ trước tới nay".
Và căng thẳng không dừng tại đó. Ngày 6/5, Bắc Kinh tuyên bố "đình chỉ vô thời hạn" Đối thoại Kinh tế chiến lược Trung Quốc-Australia, cơ chế được khởi động lần đầu tiên vào năm 2014.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, không giống như rượu và than, Trung Quốc sẽ rất khó tìm được nguồn cung quặng sắt mới trong thời gian ngắn. Điều đó có nghĩa là nguồn thu thương mại lớn nhất của Australia từ xuất khẩu quặng sắt vẫn có thể được đảm bảo.

Heiwai Tang, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Đại học Hong Kong cho biết: “Australia là nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới và mặt khác Trung Quốc là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Không dễ để họ bước vào một cuộc chiến thương mại mới về sản phẩm cụ thể này".

Bùng nổ khai thác

Trong hơn hai thập niên, nền kinh tế Trung Quốc và Australia cùng phát triển nhanh chóng thông qua hoạt động buôn bán tài nguyên thô, đặc biệt là quặng sắt và than đá.

Năm 2000, khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu bùng nổ, xuất khẩu của Australia sang nước này chỉ đạt hơn 3,6 tỉ USD.

Mười lăm năm sau, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia cho đến nay về xuất khẩu. Tổng giá trị thương mại vượt qua Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và New Zealand, với kim ngạch xuất khẩu gần 74 tỷ USD.

Một số nhà kinh tế khẳng định sự bùng nổ khai thác quặng sắt ở Australia đã giúp nước này tránh được suy thoái trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Bất chấp căng thẳng chính trị gia tăng giữa Bắc Kinh và Canberra trong những năm qua, quan hệ thương mại song phương vẫn diễn ra mạnh mẽ.

Năm 2019, gần 2/3 lượng quặng sắt của Trung Quốc được nhập khẩu từ Australia, nhiều hơn lượng nhập khẩu từ Brazil, Nam Phi và Ấn Độ cộng lại.

Đồng thời, quặng sắt chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Australia trong năm 2019, 81,7% trong số đó xuất sang Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, chính sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc khiến Australia dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ tác động lớn nào đến nguồn doanh thu chính của nước này.

Sean Langcake, nhà kinh tế chính tại tổ chức nghiên cứu BIS Oxford Economics, cho biết: “Khoảng 4/5 xuất khẩu quặng sắt của Australia là tới thị trường Trung Quốc”.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế đánh giá, trong khi Australia có thể dễ dàng tìm được đối tác mới để xuất khẩu quặng sắt thì Trung Quốc sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc tìm nhà cung cấp mới.

Không dễ tìm nguồn thay thế

Theo các chuyên gia, quặng sắt của Australia có hai ưu điểm mà Trung Quốc không muốn bỏ qua: chất lượng cao và đáng tin cậy.

Australia sản xuất lượng quặng sắt hematit cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Quặng sắt hematit chứa hàm lượng sắt nhiều hơn loại quặng sắt itabirit hoặc magnetit.

Theo nhóm vận động hành lang Hội đồng khoáng sản Australia, hematit thường chứa hơn 50% sắt so với 16% trong magnetit.

Nhà kinh tế Langcake cho biết việc chế biến quặng có hàm lượng sắt cao thường thuận lợi hơn và rẻ hơn, điều mà các nhà sản xuất thép luôn tìm kiếm.

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 2/2021, Hội đồng khoáng sản Australia ước tính Australia có nguồn tài nguyên quặng sắt magnetit nhiều gấp ba lần so với các đối thủ cạnh tranh là Brazil và Ấn Độ.

Giám đốc điều hành của Hội đồng khoáng sản Tania Constable cho biết: "Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang có mức tăng trưởng đáng kể, việc Australia là nhà cung cấp quặng sắt chất lượng, giá rẻ và ổn định giúp nước này trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất thép toàn cầu".

Đồng thời, các chuyên gia cho biết Australia là nhà cung cấp quặng sắt được Trung Quốc ưa thích, một phần do hệ thống chính trị và môi trường kinh tế ổn định.

"Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang có mức tăng trưởng đáng kể, việc Australia trở thành nhà cung cấp quặng sắt chất lượng, giá rẻ và đáng tin cậy giúp nước này trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất thép toàn cầu".
Một báo cáo của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ vào năm 2017 cho thấy trong khi sản lượng quặng sắt của Brazil và Ấn Độ không đồng đều qua các năm thì sản lượng khai thác của Australia tăng trưởng ổn định.

Dù là đối thủ cạnh tranh của Australia nhưng hoạt động khai thác quặng sắt ở Brazil trồi sụt bất thường. Hàng loạt các sự cố trong quá trình khai thác khiến các nhà nhập khẩu suy giảm niềm tin vào thị trường Brazil.

Năm 2015, công ty khai thác mỏ Samarco phải trả 6,2 tỷ USD cho chính phủ Brazil sau khi một con đập bị sập gần mỏ khai thác, chôn vùi một ngôi làng và khiến 19 người thiệt mạng. Bốn năm sau, một con đập khác bị vỡ tại một mỏ quặng sắt ở đông nam Brazil, khiến 270 thiệt mạng, nhấn chìm hàng chục ngôi nhà dưới bùn độc hại.

Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức AMP Capital ở Australia, cho biết việc Brazil đối phó với đại dịch Covid-19 không tốt khiến việc sản xuất quặng sắt bị ảnh hưởng, trong khi Australia hầu như đã kiểm soát được dịch bệnh.

Chuyên gia Oliver nói: “Hầu như không thể thay thế quặng sắt của Australia trong ngắn hạn. Australia đã phải mất một thời gian dài để xây dựng (quan hệ xuất khẩu quặng sắt với Trung Quốc) nên các quốc gia khác sẽ mất nhiều thời gian để làm được (điều tương tự)".

Cán cân kinh tế và chính trị

Vào tháng Ba, một ủy ban của quốc hội Australia công bố báo cáo kêu gọi chính phủ ưu tiên tìm kiếm “các cơ hội để Australia đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”.

Báo cáo chỉ ra: "Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia mang đến những cơ hội quý giá cho các doanh nghiệp Australia. Do đó, việc đảm bảo tiếp cận các thị trường này sẽ tiếp tục là ưu tiên của chính phủ Australia".

Trong khi đó, báo Global Times của nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội nhập quặng sắt từ châu Phi. Tờ báo dẫn lời một chuyên gia nói rằng động thái của Australia nhằm giúp Mỹ "kiềm chế Trung Quốc" và "hạ thấp những đánh giá có lợi của các công ty Trung Quốc đối với Australia".

Cả hai nhà kinh tế Langcake và Oliver dự báo khả năng cả Trung Quốc và Australia sẽ dần dần đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại của họ trong những thập niên tới do sự chia rẽ chính trị ngày càng tăng giữa hai nước.

Nguồn tin: Thế giới & Việt nam

ĐỌC THÊM