Quặng sắt Đại Liên đang trên đà giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ giữa tháng 2, trong khi giá quặng sắt tại Singapore giảm hơn 2%, kéo theo triển vọng về nhu cầu ảm đạm từ nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc.
Giá quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên Trung Quốc đã kết thúc phiên giao dịch buổi sáng đầy biến động cao hơn 0,7% lên mức 734 CNY (tương đương109,67 USD)/tấn. Hợp đồng quặng sắt đã giảm hơn 12% trong tuần này sau đợt giảm giá kỷ lục 10 phiên.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng giao tháng 7 của nguyên liệu sản xuất thép giảm 2,5% xuống 113,30 USD/tấn.
Giá quặng sắt SGX tăng 7,4% trong phiên trước đó, phục hồi từ mức đóng cửa yếu nhất trong năm nay vào thứ 4 ở mức 108,14 USD/tấn, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Phát biểu của ông Tập cũng thúc đẩy thị trường giao ngay, với giá quặng sắt 62% tiêu chuẩn được giao cho Trung Quốc ở mức 117,50 USD/tấn. Quặng sắt đã giảm xuống 112,50 USD vào phiên giao dịch ngày hôm trước, mức thấp nhất kể từ ngày 10 tháng 12, theo dữ liệu tư vấn của SteelHome.
Trong khi "niềm tin thị trường đã được khôi phục ở một mức độ nhất định", các nhà phân tích của Sinosteel Futures cho biết, việc không có bất kỳ biện pháp kích thích kinh tế cụ thể và bổ sung nào từ Bắc Kinh sẽ hạn chế mức tăng giá nào trong thời điểm hiện tại.
Theo Sinosteel, tại trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc, thành phố Đường Sơn, 56 trong số 126 lò cao đã phải đóng cửa để bảo trì, do các nhà máy phải vật lộn để đối phó với biên lợi nhuận sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu thép yếu và tồn kho cao.
Diễn biến giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc.
Các hạn chế COVID-19, vốn gây áp lực giảm giá đối với lĩnh vực bất động sản, và gián đoạn hoạt động xây dựng do thời tiết không thuận lợi là những khó khăn gián tiếp đối với lĩnh vực thép khổng lồ của Trung Quốc.
Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép thanh kỳ hạn tăng 0,5%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,4%. Thép không gỉ giảm 2,5%.
Trên sàn Đại Liên giá than luyện cốc Đại Liên giảm 0,6%, nhưng giá than cốc tăng 0,5%.
Trước ngày 22/6, nhu cầu thép ảm đạm khiến giá thép đi xuống. Atilla Widnell, giám đốc điều hành của công Navigate Commodities ở Singapore nhận định tiêu thụ thép tại Trung Quốc giảm do Covid-19, tác động đến các hoạt động sản xuất tại các khu phức hợp của nước này.
Theo các nhà phân tích, việc chênh lệch giữa cung lớn và cầu yếu đã khiến giá thép giảm. Khi các nhà máy cắt giảm sản lượng, thị trường bất động sản phục hồi thì giá thép sẽ phục hồi. Các chuyên gia kỳ vọng các chính sách kích thích nền kinh tế và việc đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ đẩy nhu cầu thép đi lên và kéo giá thép tăng.
Về thị trường trong nước, giá thép đi ngang sau khi các thương hiệu thép lớn lại đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng từ 19/6. Theo đó, mỗi tấn thép giảm 300.000 - 510.000 đồng. Đợt điều chỉnh vừa qua là lần giảm thứ 6 liên tiếp từ ngày 11/5 với tổng mức giảm đến hơn 2,5 triệu đồng/tấn.
Sau điều chỉnh, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của Hòa Phát tại miền Bắc lần lượt là 16,65 triệu đồng/tấn và 17 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, hai loại thép trên lần lượt là 16,95 triệu đồng/tấn và 17,41 triệu đồng/tấn.
Nguồn tin: Vinanet