Nhập khẩu công nghệ đã bị đối thủ thải loại, liệu doanh nghiệp lò cao còn bao nhiêu dư địa để cạnh tranh sòng phẳng?
Trong bài viết trước, chúng tôi đã phân tích về chuyện thuế suất cao và chính sách ảnh hưởng đến câu chuyện xuất lậu khoáng sản. Bài viết tiếp theo sẽ nhìn nhận góc độ cạnh tranh của DN chế biến trong nước.
Chỉ vận hành 50% công suất
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, khoảng 70% doanh nghiệp trong ngành báo lỗ hoặc giảm lãi, thì một số đơn vị vẫn tiếp tục bứt phá, một phần do chọn lựa công nghệ.Ví dụ, Hòa Phát với công nghệ đi từ quặng sắt cho đến sản phẩm cuối cùng theo công nghệ lò cao. Khác với công nghệ lò hồ quang (đầu vào là thép phế liệu).
DN này cũng chính là đơn vị mà hồi giữa năm nay từng gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và VSA "đề nghị cấm xuất khẩu quặng sắt để dành nguyên liệu cho các dự án lò cao trong nước".
Khi đó, 13 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ lò hồ quang đồng loạt ký kiến nghị khẩn thiết gửi Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đề nghị xem xét lại chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt.
Theo "nhóm 13", hiệu lực chính sách khiến giá quặng sắt giảm gần phân nửa so với giá thế giới, giúp HPG có lợi thế cạnh tranh.
Những diễn biến trên thị trường cho thấy nhiều doanh nghiệp tỏ ra hụt hơi trong cuộc đua xuống giá. Pomina, từng nhiều năm giữ vị trí quán quân thị phần, cũng chấp nhận buông sau gần một năm cầm cự. Ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nói phần lớn doanh nghiệp trong ngành chỉ vận hành từ 40% đến 60% công suất.
Hiện nay cả nước vẫn còn 13 doanh nghiệp khác sử dụng công nghệ lò cao nhưng phần lớn quy mô nhỏ, dao động quanh mức 200 ngàn tấn/năm.
Đáng kể có Nhà máy gang thép Thái Nguyên (Tisco) và đặc biệt là Nhà máy gang thép Việt Trung (VTM), mới khánh thành hồi tháng 9 vừa qua. Phía Việt Nam chiếm 55% vốn góp trong tổng đầu tư 337,52 triệu USD. Nguồn quặng lấy từ mỏ Quý Sa, trữ lượng 120 triệu tấn. Được biết, than cốc, phụ liệu không thể thiếu đối với công nghệ lò cao, do đối tác Trung Quốc cung cấp theo hình thức đối lưu. Phương tiện hoán đổi là quặng sắt. Lợi ích của hình thức này là không phát thải ô nhiễm trong quá trình luyện cốc. VTM hiện là đơn vị sử dụng lò cao có dung tích lớn nhất hiện nay, 550 khối, công suất giai đoạn 1 là 500 ngàn tấn thép/năm.
Có tận dụng được lợi thế
Một trong những mục tiêu của chính sách cấm xuất khẩu quặng là nhằm bảo vệ tài nguyên phục vụ sản xuất trong nước. Nhưng một câu hỏi đặt ra là liệu những doanh nghiệp trong nước nói chung và ngành thép nói riêng có tận dụng được ưu thế này để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế?
Bất lợi đáng kể của Việt Nam là ở cạnh người láng giềng khổng lồ.
Năm 2013, Trung Quốc sản xuất 780 triệu tấn thép, xuất khẩu 60 triệu tấn, trong đó khoảng 1/4 đổ vào thị trường ASEAN.
Nhìn lại Việt Nam, cũng trong năm này, thị trường hấp thu khoảng 5 triệu tấn thép xây dựng, tức là chưa đạt phân nửa công suất thiết kế của toàn ngành (11,3 triệu tấn). Hiện Trung Quốc tồn kho trên 160 triệu tấn. Nếu họ xả hàng thì ngành thép sẽ "khốn khổ" - chữ của ông Khải.
Thời gian gần đây rộ lên thông tin chính phủ Trung Quốc loại bỏ lò dung tích dưới 1.000 khối. Dung tích càng lớn, càng tiết kiệm nhiên liệu. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước đều nhập khẩu công nghệ lò cao từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chưa phải là quốc gia có công nghệ lò cao tiên tiến nhất thế giới. Bằng chứng là họ từng nhập khẩu những lò 3,4 ngàn khối từ Nhật Bản, theo ông Khải.
Nhập khẩu công nghệ đã bị đối thủ thải loại, liệu doanh nghiệp lò cao còn bao nhiêu dư địa để cạnh tranh sòng phẳng?
Trong khi dư luận bày tỏ quan ngại về dự án Formosa thì ông Khải lại tỏ ra lo lắng tương lai ngành thép khi đề cập đến vòng đàm phán thành lập khu vực mậu dịch tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan.
Nga sở hữu hệ thống lò cao lên đến 5 ngàn khối, bắt đầu vận hành từ nửa đầu thập niên 1990. Để sản xuất một tấn thép, các nhà máy của Nga cần 150kWh, mức tiêu hao điện năng chỉ bằng 1/3 so với Việt Nam.
Đại diện VSA bày tỏ mong muốn những sản phẩm thép trong nước sản xuất được Chính phủ bảo hộ thêm 5 - 10 năm để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Muốn hay không, ngành thép vẫn phải cạnh tranh với phần còn lại của thế giới. Năng suất quyết định tồn vong. Bằng không, việc giữ lại tài nguyên phục vụ nền sản xuất trong nước, xem ra cũng chỉ là nỗ lực trong tuyệt vọng.
Liệu, đây có phải là câu chuyện riêng của ngành thép?
Xem lại phong trào "làm từ A đến Z".
Nhận xét đây là tư duy lạc hậu, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright - phân tích: "Có sự ngộ nhận giữa việc bán tài nguyên thô giá 10 đồng với bán thành phẩm giá 100 đồng. Vấn đề then chốt là giá trị gia tăng.
Nếu cần thêm hơn 90 đồng chi phí kinh tế để có thành phẩm giá 100 đồng thì cách tốt hơn là bằng lòng bán tài nguyên thô với giá 10 đồng và dành nguồn lực đó để đầu tư cho những ngành công nghiệp mà chúng ta có lợi thế cạnh tranh và có thể dành chiến thắng. Thử nhìn sang Úc, dù đứng thứ hai thế giới về trữ lượng quặng sắt, trên cả Ấn Độ, nhưng quốc gia này cũng không chủ trương phát triển ngành thép".
Nguồn tin: Vietnamnet