Kết thúc quý 1/2018, thép xây dựng Hòa Phát tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ 2017 với mức sản lượng 542.000 tấn.
Thép xây dựng Hòa Phát đã xuất khẩu qua nhiều quốc gia như Úc, các nước Đông Nam Á, Mỹ
HÒA PHÁT
Trong đó, sản lượng xuất khẩu thép cán 3 tháng đầu năm đạt 73.000 tấn với kim ngạch trên 7 triệu USD.
Giữ vững vị thế dẫn đầu ngành thép trong nước
Riêng trong tháng 3.2018, thép xây dựng Hòa Phát đã cho ra thị trường hơn 180.000 tấn, tương đương cùng kỳ năm trước và tăng 10% so với tháng 2. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 11.700 tấn. Thị trường xuất khẩu bao gồm nhiều quốc gia như Úc, các nước Đông Nam Á, Mỹ.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, bán hàng thép trong tháng 3.2018 tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến hết quý 1/2018, sản lượng sản xuất, bán hàng của các thành viên hiệp hội vẫn tiếp tục đà tăng trưởng so với cùng kỳ 2017, đáp ứng nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu. Hòa Phát đã gia tăng thị phần lên trên 24%, giữ vững vị thế dẫn đầu ngành thép xây dựng trong nước.
Theo bảng xếp hạng được công bố mới đây bởi Vietnam Report, Thép Hòa Phát lần thứ 2 liên tiếp dẫn đầu Top 10 doanh nghiệp vật liệu xây dựng uy tín nhất Việt Nam và là một trong những công ty lâu đời và có quy mô lớn nhất trong ngành vật liệu xây dựng, gắn với sự ra đời của hàng loạt sản phẩm chất lượng, công trình lớn trên khắp cả nước.
ADC tuyên bố Hòa Phát không bán phá giá thép cuộn sang Úc
Cuối tháng 3, Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) ban hành phán quyết cuối cùng về vụ kiện Chống bán phá giá thép dây cuộn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam. Theo đó, ADC tuyên bố Hòa Phát và các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá thép cuộn sang Úc và quyết định chấm dứt cuộc điều tra. Như vậy, thép Hòa Phát khi xuất sang Úc sẽ không phải chịu thuế chống bán phá giá.
Trong vụ việc này, Tập đoàn Hòa Phát đã chủ động phối hợp với phía ADC trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ mọi thông tin, tài liệu theo yêu cầu của phái đoàn đại diện ADC thẩm tra trực tiếp trong tháng 8.2017. Đồng thời, Hòa Phát cũng tích cực đưa ra những bản đệ trình phản biện các lập luận của nguyên đơn (OneSteel) và cung cấp bổ sung đầy đủ hồ sơ chứng minh theo yêu cầu của ADC.
Cơ quan điều tra Úc kết luận, không có sự hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến giá điện, các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép của các doanh nghiệp sản xuất thép dây cuộn của Việt Nam trong đó có Hòa Phát và không tồn tại tình trạng thị trường đặc biệt đối với ngành thép dây cuộn tại Việt Nam. ADC đã sử dụng phương pháp so sánh giá thông thường tại thị trường nội địa và giá xuất khẩu để xác định biên độ phá giá. Và ADC quyết định chấm dứt cuộc điều tra thép dây dạng cuộn nhập khẩu do biên độ bán phá giá của tất cả các nhà xuất khẩu Việt Nam đều dưới biên độ phá giá tối thiểu không gây thiệt hại đối với ngành sản xuất của Úc.
Vụ việc xuất phát từ yêu cầu điều tra của OneSteel, một nhà sản xuất thép của Úc đối với thép dây cuộn nhập khẩu từ các doanh nghiệp Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc. Sau khi điều tra, ADC đã ra phán quyết cuối cùng về vụ việc này vào ngày 26.3.2018. Bên cạnh kết luận đối với Việt Nam, ADC xác định biên độ bán phá giá của các nhà xuất khẩu thép cuộn từ Hàn Quốc vào Úc là 20,9%, Indonesia vào Úc là 16%.
Phán quyết trên của ADC là tin vui với Hòa Phát nói riêng và các nhà xuất khẩu thép của Việt Nam nói chung, bởi Úc là thị trường khá tiềm năng. Năm 2017, Hòa Phát đã xuất khẩu sang Úc 36.000 tấn các loại thép cuộn rút dây, thép thanh. Còn năm 2018, tính đến thời điểm này, Hòa Phát đã xuất khẩu 4.200 tấn thép cuộn và thép thanh sang thị trường Úc.
Nguồn tin: Thanh niên