Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Quy định cho vay phi sản xuất không rõ ràng

 

Ngành sản xuất như sắt thép, xây dựng nhà ở đáng lẽ được vay ưu đãi nhưng lại bị coi là phi sản xuất, phải vay với lãi suất cao.

 Chiều 6-9, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã chủ trì tổ chức hội thảo Ngân hàng và doanh nghiệp (DN) trước tác động của chính sách tiền tệ. Theo các ý kiến tại hội thảo thì việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã gây nhiều khó khăn cho cả ngân hàng và DN.

DN chết vì bị quy là ngành phi sản xuất

Ông Vũ Hữu Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê NHNN, nhận định việc thắt chặt tiền tệ có tác động bất lợi nhất định đến DN như lãi suất tăng cao. Đồng thời, các NHTM cũng khó khăn trong việc cho vay khi thắt chặt tiền tệ. Trong mấy ngày gần đây, NHNN đưa ra các thông điệp rất rõ ràng để gỡ khó khăn cho DN như giảm lãi suất 17%-19%/năm, sửa đổi các quy định cho vay ngoại tệ… nhưng từ nay đến cuối năm, chúng ta vẫn thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát nhằm thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc VPBank, cho rằng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, việc thắt chặt tiền tệ khiến DN khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Ngân hàng cũng vậy, tăng trưởng tín dụng không quá 20%. Với thông điệp NHNN đưa ra là tăng trưởng tín dụng năm tháng đầu năm còn khoảng 10% là khá nhiều. Nhưng quy định cho vay phi sản xuất hiện không rõ ràng nên cũng gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thẩm định dự án. Đồng thời, có những khu vực DN bị vạ lây như ngành sản xuất sắt thép, xây dựng nhà ở đáng lẽ được vay nhưng lại bị coi là ngành phi sản xuất. Lĩnh vực này không những được ưu tiên vay vốn mà thêm nữa là lại còn phải chịu lãi suất cao.

Ngành xây dựng nhà ở, sản xuất sắt thép khó tiếp cận với vốn vay vì bị xem là phi sản xuất. Ảnh: HTD

Thị trường đang dùng quá nhiều tiền

Đặt câu hỏi về câu chuyện chính sách tiền tệ hiện nay như thế nào, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế độc lập, cho rằng chưa bao giờ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán tăng lại thấp như năm nay. Trong năm năm trở lại đây, hai chỉ tiêu này luôn trên 30%. Bắt đầu từ năm 2007, tổng tín dụng tăng quá nhanh. Nói cách khác là thị trường đang dùng quá nhiều tiền. Đây là lý do làm chúng ta lại có lạm phát.

Ông Ánh cũng băn khoăn khi dẫn lại con số tổng tín dụng cho nền kinh tế, kết thúc bảy tháng đầu năm là 7,57%. Nhưng cách đây vài ngày, thống đốc NHNN cho biết chỉ tiêu này đã tăng lên 11,7%. Thực sự tổng tín dụng của chúng ta là bao nhiêu?

“Có một tổng giám đốc một NHTM cho tôi hay trong cơ cấu tín dụng của đơn vị ông ta, có đến 60% DN vay vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Chỉ có 60% vốn của DN dành cho đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính. Điều này là khá nguy hiểm với DN cũng như hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh hiện nay, DN cần phải nhìn lại mình, củng cố lại tình hình hoạt động vì hạ lãi suất chỉ có trong ngắn hạn” - ông Ánh cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc VPBank, hôm nay (7-9), NHNN tổ chức hội nghị để triệu tập các NHTM và NHNN ở các địa phương để thực hiện chủ trương hạ lãi suất cho vay VND. Người đứng đầu NHNN cho hay sẽ đưa trần lãi suất huy động xuống 14%/năm và việc này cần có sự đồng thuận của các NHTM. Tuy nhiên, để thị trường không bị xáo động khi kéo lãi suất huy động xuống dưới 14%, NHNN cần hỗ trợ các ngân hàng nhỏ tiếp cận nguồn vốn để có thể hạ lãi suất, ông Hưng đề xuất.

 

Nguồn tin: phapluattp

ĐỌC THÊM