Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Quy hoạch ngành thép: loại 12 dự án nhưng sản lượng tăng 2-3 lần

 Sau dự thảo Đề án quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 (lần thứ nhất) mà Bộ Công Thương gửi đi lấy ý kiến vấp phải sự phản ứng của dư luận, bộ đã chỉnh sửa dự thảo lần 2 với một số thay đổi. Trong đó có việc loại bỏ 12 dự án thép ra khỏi quy hoạch nhưng lại chỉnh sửa quy hoạch sản lượng tăng gấp đôi, gấp ba so với dự thảo trước.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, bản dự thảo thứ hai hôm 11-12 đã quyết định loại khỏi quy hoạch 12 dự án thép với tổng công suất thiết kế là 1,350 triệu tấn gang, sắt xốp và 6,52 triệu tấn phôi vuông.

Các dự án bị loại này chủ yếu nằm ở phía Bắc, trừ một vài dự án của Tổng công ty Thép Việt Nam ở Hậu Giang, và của các chủ đầu tư khác tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Quảng Bình.

Lý do các dự án này bị loại là địa phương đề nghị bỏ, quy mô nhỏ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo, không thuộc phạm vi quy hoạch; chưa có chủ đầu tư hoặc năng lực chủ đầu tư kém, như dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 3 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, doanh nghiệp đang “nhấn chìm” hàng chục ngàn tỉ đồng vốn vay ưu đãi và vốn vay của các ngân hàng trong 10 năm trở lại đây với dự án mở rộng giai đoạn 2.

Đáng chú ý trong bản dự thảo sửa đổi hôm 11-12, Bộ Công Thương đã điều chỉnh một số mục tiêu. Chẳng hạn như mục tiêu cụ thể quy hoạch về sản phẩm có sự thay đổi đột biến. Dự thảo mới nâng cao tỷ trọng sản xuất thép thô từ gang lỏng và sắt xốp lên mức 21 triệu tấn (năm 2020), 46 triệu tấn (năm 2025), 55 triệu tấn (năm 2035). Theo dự thảo cũ thì các con số này tương ứng chỉ là 8 triệu tấn, 15 triệu tấn và 30 triệu tấn. Mức tăng quy hoạch sản phẩm theo dự thảo mới là gấp đôi hoặc gần gấp ba so với dự thảo trước đó chỉ 1 tháng.

Tương tự, quy hoạch sản phẩm mới cho phôi thép là 32,3 triệu tấn (năm 2020), 57,3 triệu tấn (năm 2025), 66,3 triệu tấn (năm 2035) thay cho dự thảo cũ là 18 triệu tấn, 27 triệu tấn và 52 triệu tấn. Mức tăng của dự thảo mới so với bản trước từ 27% đến 55% tổng sản lượng sản phẩm.

Điều đáng nói là quy hoạch sản phẩm thì tăng mạnh nhưng quy hoạch phát triển, dự báo nhu cầu thép thô đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 so với dự thảo trước lại không có gì thay đổi, chẳng hạn như chỉ tiêu tiêu thụ thép/người, hay tổng nhu cầu tiêu thụ thép trong nước đến năm 2035.

Như vậy, không rõ Bộ Công Thương căn cứ vào cơ sở nào để đưa ra các điều chỉnh mạnh về quy hoạch sản phẩm các loại nguyên liệu, bán nguyên liệu ngành thép trong khi “nhường” hẳn quy hoạch về đầu tư vào các dự án thép chất lượng cao, thép cán nóng cho các dự án FDI, liên doanh và phần này lại chỉ nêu chung chung.

Bộ Công Thương diễn giải thêm: quy hoạch chỉ là căn cứ pháp lý để các chủ đầu tư đề xuất dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và để các bộ ngành giám sát việc triển khai dự án phù hợp với quy hoạch. Các dự án thép cần có thỏa thuận cung cấp điện, nước trước khi cấp phép đầu tư.

Tuy nhiên, các bổ sung, thay đổi này không quan trọng bằng việc dự thảo Luật quy hoạch (sửa đổi) đã hoàn tất lấy ý kiến lần 1 tại kỳ họp Quốc hội tháng 11-2016 và dự kiến thông qua vào tháng 6-2017 đã loại quy hoạch thép và nhiều quy hoạch ngành ra khỏi danh mục các quy hoạch ngành cấp quốc gia bắt buộc phải làm quy hoạch. Dự thảo đã được thẩm định đồng thời không cho phép quy hoạch sản phẩm mà quản lý sản phẩm bằng chất lượng và các tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật khác. Việc doanh nghiệp sản xuất sản lượng bao nhiêu, chủng loại sản phẩm thế nào… là do doanh nghiệp tự cân đối và thị trường quyết định sự tồn tại của họ.

Danh mục các dự án trong quy hoạch ngành thép đến năm 2025, định hướng năm 2035, ngoài việc loại bỏ 12 dự án thép còn bỏ luôn tên các chủ đầu tư dự kiến đã đăng ký và từng được Bộ Công Thương ra quyết định điều chỉnh quy hoạch hồi cuối năm 2015 theo hướng bổ sung như dự án liên hợp gang thép Nghi Sơn hai giai đoạn tại Nghi Sơn (Thanh Hóa), dự án khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná (Ninh Thuận).

Có ý kiến cho rằng, nhằm để tránh sự thu hút của dư luận vào dự án khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná của chủ đầu tư Hoa Sen, Bộ Công Thương đã rút tên toàn bộ chủ đầu tư đã và đang đăng ký làm các dự án mà bộ đã và đang duyệt vào quy hoạch, nhằm thông qua quy hoạch trước.

Tại dự thảo mới nhất, bộ cũng đã điều chỉnh 5 giai đoạn của khu liên hợp thép Cà Ná mà Hoa Sen đã đăng ký xuống còn 3 giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2035. Tuy nhiên, tổng công suất thiết kế của 3 giai đoạn hay 5 giai đoạn đều không thay đổi, và đều là 16 triệu tấn gang/sắt xốp theo công nghệ lò cao và 16 triệu tấn phôi thép.

Nguồn tin: KTSG

ĐỌC THÊM