Ðang mùa xây dựng nhưng giá thép trên thị trường đã giảm hơn ba triệu đồng/tấn so với mức đỉnh được thiết lập từ giữa tháng 4-2010. Giảm giá nhưng sức tiêu thụ vẫn rất hạn chế. Từ đầu tháng 6-2010 đến nay, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã hai lần nhận được thông báo giảm giá thép của các đơn vị hội viên với mức giảm từ 300 nghìn đến 600 nghìn đồng/tấn.
Theo đó, giá bán thép tại các nhà máy (chưa bao gồm 10% thuế VAT) chỉ còn 11,71 - 12,36 triệu đồng/tấn (thép cuộn) và 12,19 - 13,15 triệu đồng/tấn (thép thanh). Trong khi giá bán của doanh nghiệp sản xuất thép phía bắc hiện đang rẻ hơn doanh nghiệp phía nam trung bình 400 nghìn đồng/tấn. Dù tăng giá nhẹ, nhưng lượng thép tiêu thụ tại nhà máy cũng như các cửa hàng bán lẻ vẫn rất chậm, do người tiêu dùng có dấu hiệu chờ giá giảm tiếp.
Thị trường thép tiếp tục ế ẩm, giá thép giảm nhưng thời gian gần đây nhiều dự án, nhà máy vẫn tiếp tục được cấp giấy phép, được triển khai hay lên kế hoạch như Công ty ống thép Việt Ðức (VG Pipe) vừa đưa dây chuyền sản xuất thép xây dựng vào thị trường, với công suất 350 nghìn tấn/năm, sau tám tháng tiến hành đầu tư với quy mô vốn khoảng 500 tỷ đồng; hay Tập đoàn Hòa Phát mới có thêm một dây chuyền mới, trong khi Công ty liên doanh Vinakyoei đang lên kế hoạch nâng công suất thép cán từ 300 nghìn tấn/năm hiện nay lên 500 nghìn tấn/năm, đồng thời đầu tư vào luyện thép ở quy mô 500 nghìn tấn/năm...
Theo tính toán, năm 2010, nhu cầu thép xây dựng trong cả nước ước tính khoảng 5,5 triệu tấn, nhưng công suất hiện nay đã lên tới 7,8 triệu tấn, như vậy cung đang vượt xa cầu. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự phát triển ồ ạt như vậy sẽ dẫn đến giành giật thị trường, nhiều nhà máy sẽ phải vận hành thấp hơn so với công suất thiết kế, làm cho hiệu quả kinh tế thấp và lãng phí. Thậm chí, với sản phẩm thép xây dựng thông thường, không có gì mới trong công nghệ và thiết bị, nhưng vẫn cấp giấy phép cho nước ngoài đầu tư 100% là bất hợp lý.
Sự nóng-lạnh thất thường của giá thép trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất vẫn là việc đầu tư tràn lan các dự án thép, cho dù điều này đã được các bộ, ngành và VSA cảnh báo từ lâu. Ðặc biệt, các dự án thép của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đầu tư trong nước đăng ký và triển khai ồ ạt. Theo VSA, ngoại trừ một số dự án FDI đầu tư bài bản, từ luyện phôi (bằng phế liệu thép, hoặc quặng sắt) đến ra thành phẩm, còn lại các dự án của doanh nghiệp trong nước hầu hết chỉ đầu tư ở khâu nhập phôi cán ra thành phẩm.
Nhận định về giá thép, VSA cho rằng, do sức tiêu thụ quá "ì ạch" nên các doanh nghiệp buộc phải giảm giá. Thậm chí có một số đơn vị còn chấp nhận tăng mức chiết khấu từ 200 đến 350 nghìn đồng/tấn để bán tháo lượng thép tồn kho đã khiến cho giá thép càng giảm thêm. Các loại nguyên liệu khác như quặng sắt, than cốc, than mỡ trên thị trường thế giới cũng đang giảm hoặc đứng giá. Nguyên nhân chính dẫn đến giá nguyên liệu giảm là do nhu cầu thấp, sản phẩm thép tiêu thụ chậm, các nhà máy đang vận hành dưới công suất thiết kế, trong khi nguồn cung dồi dào.
Thực tế cho thấy, việc đầu tư manh mún, công suất nhỏ, nhập khẩu chủ yếu công nghệ cũ mà nhiều nước trên thế giới đã không còn sử dụng, nên sản phẩm thép sản xuất ra giá thành cao, thiếu sức cạnh tranh. Việc đầu tư không theo quy hoạch cũng góp phần làm sản phẩm thép gặp khó. Trong khi để xây dựng một dự án thép thì việc phải tính đến sự đồng bộ của hạ tầng như giao thông - vận tải, thị trường tiêu thụ, các nguyên liệu đầu vào là rất cần thiết và nếu không tính toán đủ các điều kiện trên, giá thành sản phẩm sẽ cao, thua thiệt trong cạnh tranh là điều tất yếu.
Thống kê của Bộ Công thương hiện có 74 dự án sản xuất gang, thép thành phẩm với công suất từ 100 nghìn tấn/năm trở lên, trong số đó có 65 dự án thuộc lĩnh vực cán thép. Trong 65 dự án nói trên, chỉ có 17 dự án nằm trong quy hoạch và 16 dự án khác đã có ý kiến thỏa thuận của Chính phủ hoặc Bộ Công thương trước khi đầu tư. Như vậy, có tới 32 dự án được địa phương cấp phép mà không có ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Việc đầu tư ồ ạt vào ngành thép khiến cho nhiều dự án không đủ điều kiện phát triển bền vững vì thiếu nguyên liệu, thiếu điều kiện hạ tầng như điện, nước, giao thông vận tải; nhà máy chỉ vận hành một thời gian ngắn đã phải ngừng sản xuất, gây lãng phí lớn, hiệu quả kinh tế thấp. Thép là một trong năm mặt hàng thiết yếu được Nhà nước đưa vào diện bình ổn giá. Do đó, đã đến lúc Bộ Công thương, Hiệp hội thép và các cơ quan chức năng cần phải siết chặt việc thực hiện đúng quy hoạch ngành thép để hạn chế tình trạng tăng đột biến về giá, bảo đảm cân đối cung-cầu và nhất là tránh lãng phí trong đầu tư... Ðặc biệt, đối với những dự án không đủ điều kiện phát triển bền vững vì thiếu nguyên liệu, thiếu điều kiện hạ tầng như điện, nước, giao thông vận tải thì phải chỉnh sửa lại, thậm chí rút giấy phép.
Nguồn: ND