Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố "Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội quý I năm 2018" với những con số rất ấn tượng, tạo kỳ vọng cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2018.
26.785 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 1,2%, cao nhất 7 năm gần đây
Trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước có 26.785 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 278.489 tỷ đồng, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả các quy mô vốn đăng ký trong 3 tháng đầu năm 2018 đều có tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký mới tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu ở loại hình công ty cổ phần là 138.383 tỷ đồng, tăng 12%.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng chiếm 90% trên tổng số doanh nghiệp đăng ký mới.
Loại hình công ty TNHH 2 thành viên và loại hình doanh nghiệp tư nhân giảm cả về số lượng, số vốn và số lao động đăng ký. Loại hình doanh nghiệp tư nhân có430 doanh nghiệp, giảm 48,5%. Loại hình công ty TNHH 2 thành viên có 6.061 doanh nghiệp, giảm 3,9%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng hết năm 2018, số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt con số 126.000 doanh nghiệp của năm 2017.
GDP đạt 7,38% - cao nhất 10 năm qua
Với mức tăng trưởng 7,38% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2018 đã đạt mức tăng cao nhất của quý 1 trong 10 năm gần đây.
"Mức tăng này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ ban hành các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018", Tổng cục Thống kê đánh giá.
Trong khu vực vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 3,76% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả.
Ngành thủy sản cũng đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, với mức tăng 4,76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khu vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung, với mức tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành công nghiệp - xây dựng là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong quý I với mức tăng 11%, mà đóng góp mạnh mẽ là công nghiệp chế biến chế tạo.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22%
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý 1/2018 ước tính đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 14,97 tỷ USD, tăng 18,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đạt 39,34 tỷ USD, tăng 23,2%.
Trong khi đó, một số mặt hàng có xu hướng giảm như xuất khẩu dầu thô đạt 509 triệu USD, giảm 21,1%.
Tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 99,7% kim ngạch hàng điện thoại và linh kiện; chiếm 90% kim ngạch máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; chiếm 61% kim ngạch hàng dệt may.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý 1/2018 ước tính đạt 53,01 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 21,26 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,75 tỷ USD.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tính chung quý 1/2018 xuất siêu 1,3 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,3 tỷ USD. Khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô xuất siêu 7,6 tỷ USD.
Trước những chỉ số ấn tượng và khả quan trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ không quên nhắc nhở: Các ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hiệu lực các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ. "Khi kinh tế tốt hơn thì phải lo xa hơn cho các năm tiếp theo, để khi khó khăn thì có dư địa để điều chỉnh".
Nguồn tin: Doanh nhân việt nam