Tổng cục Thống kê vừa công bố, quý I năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng này thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ các năm gần đây (quý I năm 2012 tăng 5,9%; năm 2013 tăng 5%; năm 2014 tăng 5,3%; năm 2015 tăng 9,3% và năm 2016 tăng 7,4%); trong đó, ngành khai khoáng giảm 11,4% so với cùng kỳ; ngành chế biến chế tạo tăng 8,3%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%.
Giải thích nguyên nhân, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, riêng đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 8,3%, thấp hơn mức tăng 8,94% cùng kỳ năm 2016. Chủ yếu do sản xuất và chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất (15%) chỉ tăng 4,4% thay vì 8,6% như cùng kỳ năm 2016.
Ngành sản xuất sản phẩm điện tử (giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng khoảng 21% ngành chế biến, chế tạo) giảm 1% trong khi quý I/2016 tăng 11,3%, nguyên nhân chủ yếu do sản xuất của Công ty Samsung Việt Nam giảm gần 38%.
Sản xuất điện thoại di động tại Công ty Samsung Việt Nam Thái Nguyên. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên của những năm trước đây sang các ngành sản xuất kinh doanh không phải khai thác tài nguyên. Quý I/2017, khai thác dầu thô, khí tự nhiên, than đạt thấp làm tăng trưởng ngành khai khoáng chỉ bằng khoảng 90% so cùng kỳ năm 2016.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, xét theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất của sản phẩm trung gian dùng cho quá trình sản xuất tiếp theo tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm dùng cho sử dụng cuối cùng tăng 6,6%; sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 9,2% (công cụ sản xuất tăng 5,4%; tư liệu xây dựng tăng 9,9%); sản phẩm tiêu dùng của dân cư tăng 2,7%.
Trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất quý I năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Đó là: Sản xuất kim loại tăng 43,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 14,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy và sản xuất trang phục cùng tăng 11,6%; dệt tăng 11,4%.
Một số ngành tăng thấp hoặc giảm như: Sản xuất thiết bị điện; chế biến thực phẩm; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; khai khoáng tăng từ 1,6% đến 5,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,6%; khai thác than giảm 5,5%...
Về sản phẩm, trong quý I/2017, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 như ti vi tăng 43,3%; thép cán tăng 32,2%; sắt thép thô tăng 23,2%; phân ure tăng 18,5%; sữa tươi tăng 12,7%; sơn hóa học tăng 12,1%. Tuy nhiên, các sản phẩm thức ăn thủy sản, xi măng chỉ tăng thấp từ 3,9% đến 5,4%; các sản phẩm than đá, đường kính, điện thoại di động, khí đốt thiên nhiên dạng khí, dầu thô khai thác lại giảm từ 5,6% đến 14,9%...
Trong quý I/2017, các tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với mức tăng chung gồm: Hải Phòng tăng 17,2%; Thái Nguyên tăng 12,5%; Đà Nẵng tăng 10,6%; Hải Dương tăng 9,3%. Hai thành phố đầu tàu là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng có chỉ số công nghiệp tăng hơn mức tăng chung nhưng chỉ trong khoảng 5,9 đến 6%. Trong khi đó, các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Quảng Ninh; Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Quảng Ngãi giảm từ 3,3% đến 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/3/2017 tăng 12,5% so với cùng thời điểm năm 2016. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp như dệt, sản xuất kim loại, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất thiết bị điện. Đặc biệt, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như sản xuất trang phục; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản phẩm thuốc lá, sản xuất phương tiện vận tải khác đã giảm từ 0,4 đến 42,6%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/3/2017 tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 1,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 4,4%.
Nguồn tin: TTXVN