So với quý I/2009, chỉ số giá vật liệu xây dựng chủ yếu như xi măng, thép, cát, đá, gạch, gỗ…của quý II/2009 không có sự biến động mạnh, giảm nhẹ hoặc tăng nhẹ.
Bộ Xây dựng vừa công bố Tập chỉ số giá xây dựng quý II năm 2009 kèm theo công văn số 1831/BXD-VP ngày 31/08/2009 của Bộ Xây dựng.
Tập chỉ số này được xác định theo nhóm công trình thuộc 5 loại (công trình xây dựng dân dụng, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình thủy lợi và công trình hạ tầng kỹ thuật), và theo 6 khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đắk Lắk, TP. HCM và Cần Thơ.
Gồm có 4 loại chỉ số là chỉ số giá xây dựng công trình; chỉ số giá phần xây dựng; chỉ số giá xây dựng theo yếu tố chi phí gồm chí số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá nhân công và chỉ số giá máy thi công và Chỉ số giá vật liệu xây dựng chủ yếu.
Theo Tập chỉ số giá xây dựng, thì biến động giá xây dựng theo 5 loại công trình được phân theo 6 khu vực trong quý 2, và lấy năm 2000 làm gốc với mức phần trăm là 100% thì trong quý II năm 2009 có mức giảm so với mức tăng của năm 2008 so với kỳ gốc (năm 2000). Ví dụ, tại Hà Nội biến động giá xây dựng công trình nhà ở năm 2008 tăng 154% so với năm 2000, đến quý II năm 2009 mức tăng này là 131%.
Biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu quý II/2009 qua 6 khu khu vực trên khắp cả nước cũng không có biến động lớn, hầu hết vật liệu xây dựng chủ yếu đều có mức giảm nhẹ hoặc tăng nhẹ so với quý I/2009.
Chẳng hạn, tại Hà Nội chỉ số giá xi măng quý II/2009 so với năm 2000 tăng 48%, quý II/2009 so với quý I/2009 tăng 4%, chỉ số giá gạch lát quý II năm 2009 giảm 9% so với quý I năm 2009, tuy nhiên cát xây dựng lại có sự biến động mạnh hơn tăng 26% so với quý I.
Trong 3 yếu tố chi phí là vật liệu, nhân công và máy thi công thì yếu tố nhân công có mức biến động giá mạnh nhất. Ví dụ ở Hà Nội, giá nhân công quý II/2009 tăng lên 610% so với năm 2000, năm 2008 là 476%. Máy thi công quý II năm 2009 là đạt 179% so với năm 2000, còn năm 2008 đạt 168%.
Nhìn chung giá vật liệu xây dựng trong quý II năm 2009 có sự ổn định về giá, ít có biến động mạnh so với quý I năm 2009. Riêng về cát xây dựng thì ở Hà Nội có sự biến động tăng mạnh 26% so với quý I, còn Hải Phòng lại giảm 9%, còn các tỉnh thành khác tăng nhẹ hoặc ổn định.
Đối với thép xây dựng trong quý II/2009, thị trường Hà Nội và Tp.HCM ổn định với mức biến động giá lần lượt là + 2% và -1% so với quý I/2009. Đà Nẵng và Hải Phòng giảm 4%, Đắk Lắk tăng 9%, Cần Thơ giảm 9% so với quý I năm 2009.