Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Quý III, DN thép vẫn sống tốt trước sức ép ngoại

Tiết giảm chi phí, hạ giá thành, đồng thời triển khai biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng giá rẻ từ Trung Quốc, các doanh nghiệp thép trong nước đang chủ động hơn trong nâng cao sức cạnh tranh, đón nhận cơ hội từ sự khởi sắc của thị trường bất động sản.

Điều này cũng phần nào được phản ánh tích cực vào kết quả kinh doanh quý III/2015 của một số doanh nghiệp.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG), một tên tuổi lớn trong ngành thép đang niêm yết trên TTCK vừa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng đầu năm. Tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư 2015 vào ngày 15/10 vừa qua, bà Lý Thị Ngạn, Giám đốc Tài chính HPG cho biết, lũy kế 9 tháng, HPG đạt doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 20.616 tỷ đồng và 2.938 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 92% và 90% kế hoạch năm. Riêng trong quý III, doanh thu và lợi nhuận của HPG lần lượt đạt 6.948 tỷ đồng và 1.036 tỷ đồng.

Dù chưa chính thức công bố báo cáo tài chính quý III, nhưng có thể thấy, Hòa Phát đã có sự chuyển biến đáng kể trong việc tiết giảm chi phí hoạt động. Trong quý II, doanh thu tài chính tăng 60% so với cùng kỳ, lên 52 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm mạnh hơn 27% xuống còn 123 tỷ đồng (so với 168 tỷ cùng kỳ) do sự sụt giảm xấp xỉ 30 tỷ đồng chi phí lãi vay. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp xuống cũng giảm 29%, còn 101 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, phải kể đến sự thay đổi gần 2.000 tỷ đồng trong giá trị các tài sản dở dang dài hạn. Theo thuyết minh kèm theo, so với đầu năm, HPG đã hoàn tất xây dựng các dự án lớn, như nhà máy luyện gang, nhà máy phôi 2, nhà máy sản xuất quặng thiêu kết và dây chuyền mạ dài.

Tương tự, các doanh nghiệp khác của ngành thép cũng có những sự thay đổi khá ấn tượng khi tiết giảm được chi phí hoạt động và nhờ đó, giúp các doanh nghiệp này có mức tăng khá ấn tượng về lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2015, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ghi nhận giá vốn hàng bán giảm tới 823,2 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp đạt 581,26 tỷ đồng, tăng tới 64% so với cùng kỳ. Điều này góp phần giúp cho HSG hoàn thành tới 81,9% kế hoạch doanh thu cả năm, trong khi lợi nhuận đã vượt 7,7% kế hoạch năm.

CTCP Thép Việt Ý (VIS) và CTCP Ống thép Việt Đức (VGS) cũng có mức lợi nhuận tăng đáng kể trong quý III/2015 nhờ cắt giảm mạnh chi phí. Trong quý III, doanh thu VIS giảm 17%, xuống còn 746 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu tài chính giảm mạnh tới 89%, chỉ còn 44 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ cắt giảm chi phí ở tất cả các mảng, cao nhất là giảm chi phí bán hàng 35%, chi phí tài chính giảm 23%, nên dù doanh thu giảm, VIS vẫn lãi ròng gần 10 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do quý I/2015 lỗ hơn 40 tỷ đồng, nên lũy kế 9 tháng đầu năm, VIS vẫn lỗ ròng hơn gần 25,7 tỷ đồng.

Còn đối với VGS, theo báo cáo tài chính quý III/2015, tổng doanh thu của Công ty trong quý đạt 628 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 1789 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính (đặc biệt là chi phí lãi vay) giảm tới 29%, giúp cho lợi nhuận quý III, đạt hơn 6 tỷ đồng, tăng 108,67% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng đạt 18,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2014.

Sự chủ động của nhiều doanh nghiệp ngành thép trong thời gian vừa qua có thể hiểu được khi ngành thép vừa phải đối mặt với giai đoạn khó khăn, làng lọc do sự trầm lắng của thị trường bất động sản và xây dựng những năm trước. Hiện nay, dù thị trường bất động sản và xây dựng hồi phục, giúp cải thiện tình hình tiêu thụ sản phẩm thép, nhưng ngành thép Việt Nam lại phải đối mặt với khó khăn mới là thép nhập khẩu giá rẻ tràn vào, nhất là từ Trung Quốc và sắp tới là từ các nước ASEAN, Nga sau khi các hiệp định thương mại tự do được thực thi.

Từ bài học xương máu vẫn còn tính thời sự, cũng như thách thức trước mắt, các doanh nghiệp ngành thép đã chủ động tìm giải pháp đối phó, mà một trong số đó là tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm để nâng cao tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng không ngừng nâng cao chất lượng, thương hiệu và khả năng cung ứng, dịch vụ sau bán hàng…

Nguồn tin: ĐTCK

ĐỌC THÊM