Trong bản báo cáo cập nhật về tình hình ngành thép mới đây, CTCK Bản Việt nhận định, thị trường thép thế giới và nội địa đã có những biến động lớn ngoài dự báo, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý IV/2008 của các công ty trong ngành.
Trên thế giới, giá thép tiếp tục giảm do kinh tế toàn cầu suy thoái, buộc các nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng và giảm giá bán. Giá phôi thép chỉ còn 350 - 400 USD/tấn, giảm 70% so với mức 1.150 - 1.200 USD trong tháng 6/2008. Giá phôi thép xuất khẩu của Trung Quốc hiện ở mức 250 - 280 USD/tấn. Thị trường thép thế giới được nhận định chỉ tăng trưởng ở mức 3%/năm trong năm 2008 so với mức 7,5% trong năm ngoái.
Thị trường thép trong nước tiêu thụ chậm, giá giảm 55%, còn 10 - 11 triệu đồng/tấn. Nhiều khả năng giá thép còn giảm do có sự chênh lệch giá bán trong nước và giá phôi nhập khẩu. Giá bán trong nước hiện cao hơn giá phôi nhập khẩu sau khi chế tác thành thành phẩm khoảng 3 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, thép trong nước phải cạnh tranh với thép Trung Quốc giá rẻ nhập lậu vào Việt Nam.
Tính đến ngày 27/10, lượng hàng tồn của ngành thép vào khoảng 3 triệu tấn, bao gồm 1 triệu tấn thép lá, 1 triệu tấn phôi, 500.000 tấn thành phẩm thép xây dựng và 500.000 tấn thép phế. Số lượng thép này thừa sức đáp ứng nhu cầu trong nước, ngay cả khi các nhà máy sản xuất thép trong nước có ngưng hoạt động.
Với tình hình này, dự báo ngành thép trong nước còn gặp không ít khó khăn trong 2 tháng cuối năm 2008 và năm 2009 sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp.
Đến cuối tháng 9, các doanh nghiệp ngành thép niêm yết đều chưa trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Riêng HPG trích lập dự phòng 61 tỷ đồng, khá thấp so với giá trị hàng tồn kho hơn 2.300 tỷ đồng.
Theo bản phân tích, lợi nhuận cuối năm của doanh nghiệp ngành thép sẽ phụ thuộc nhiều vào phương thức hạch toán mà doanh nghiệp áp dụng, cũng như tỷ lệ trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
(ĐTCK)