Những ngày qua, nhiều ngân hàng "xin xỏ" nới tăng trưởng tín dụng trên 20%, nhưng khác với những lần "làm thinh" trước, NHNN có vẻ kiên trì mục tiêu siết tín dụng để kiềm chế lạm phát.
Mới đi nửa đường đã tiêu hết "vốn"
Theo Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 5, hiện tỉ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất ở mức khoảng 16,95% trong tổng dư nợ, giảm khoảng 1,92% so với cuối năm 2010. Đa số các ngân hàng đều giảm được tỉ lệ này về dưới 20% theo quy định vào cuối tháng 6/011. Tuy nhiên hiện vẫn còn 20 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước đang có dự nợ phi sản xuất cao hơn 22%, cá biệt có 2 ngân hàng có dư nợ phi sản xuất là 50% và 52%.
Với thực tế này, nhiều ngân hàng có khả năng không giảm chỉ tiêu tín dụng phi sản xuất về đúng hạn. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, một số ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất mà chủ yếu là cho vay bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng về 22% vào cuối tháng 6 này theo quy định.
Chính vì thế, một số Ngân hàng đã để xuất việc điều chỉnh thời hạn hoặc chỉ tiêu tín dụng phi sản xuất. Bởi vì, ba tháng là một áp lực lớn đối với yêu cầu giảm nhanh tỷ trọng tín dụng phi sản xuất, mà trong đó phần lớn là tín dụng bất động sản, tín dụng tiêu dùng với đặc thù nhiều khoản vay trung và dài hạn. Với những trường hợp có tỷ trọng cao, ngừng cho vay mới đã đành, việc hồi vốn càng khó khăn trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt.
Trong khi đó, mặc dù số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 5, tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống mới chỉ là 6,92%, dư địa còn lại theo chỉ tiêu 20% vẫn còn khá lớn. Bên cạnh đó, tổng phương tiện thanh toán 5 tháng mới chỉ tăng 1,57% trong khi kế hoạch cả năm là 15% - 16%.
Tuy nhiên, mới đến tháng 5, một số ngân hàng đã dùng gần hết chỉ tiêu tăng trưởng 20%. Thâm chí, có ngân hàng đã vượt quá chỉ tiêu tín dụng được quy định. Để đối phó với tình hình này, một mặt các ngân hàng đang phải hạn chế tối đa cho vay, và tìm những kênh mới để "tiêu" số vốn còn lại của mình. Đồng thời, phải cố gắng để đưa dư nợ về đúng quy định như rà soát lại khoản vay và nhanh chóng thu hồi những hợp đồng đến kỳ đáo hạn. Đồng thời, đưa ra chủ trương hạn chế cho vay mới nếu cảm thấy khoản vay đó không còn cần thiết.
Tuy nhiên, dù bằng cách nào thì các ngân hàng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động khi địa dư tăng trưởng còn rất ít. Thậm chí, có những ngân hàng còn phải giảm tăng trưởng để hạ chỉ tiêu tín dụng về 20% theo quy định. Đây không chỉ là điều gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh hàng ngày mà còn đe dọa đến hiệu quả hoạt động cả năm khi lợi nhuận các ngân hàng có đến 70 - 80% đến từ hoạt động cho vay.
Thậm chí, đối với một số ngân hàng mới tăng vốn điều lệ lên cả ngàn tỷ đồng.nếu vẫn duy trì mức tăng 20% so với năm ngoài sẽ gây áp lực lớn cho các ngân hàng này khi nguồn vốn tự có đã tăng lên 2 -3 lần nhưng khả năng chi tiêu và sinh lợi lại đang bị bó hẹp khiến các ngân hàng đối mặt lợi hiệu quả rất thấp sau khi tăng vốn.
Chính vì thế, tại cuộc họp mới đây với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phía Nam đã đề cập rất nhiều đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 20% cho cả năm và những khó khăn của các ngân hàng trước rào cản này.
Kêu ca nhiều, cuối cùng thì các ngân hàng cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, thay vì ấn định mức 20% đó chung cho tất cả các thành viên trong hệ thống, cũng như tại các thời điểm trong năm một cách cứng nhắc.
Các ngân hàng lý giải, kế hoạch tăng trưởng tín dụng mỗi ngân hàng là khác nhau, gắn với đặc thù hoạt động, đặc điểm của mỗi thành viên; mặt khác, tốc độ tăng trưởng tín dụng có cao có thấp ở các thời điểm trong năm, gắn với tính mùa vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, chính sách 2011, có sự thay đổi đọ ngột cả về tăng trưởng cũng như cơ cấu khiến các ngân hàng khó chuyển đổi theo kịp.
Những rắc rối của ngân hàng trong nước chưa xong thì lại nảy sinh rắc rối mới từ các ngân hàng nước ngoài khi tín dụng của khối này lại đột ngột tăng mạnh.
Số liệu báo cáo cho thấy, đến hết tháng 4/2011, dư nợ cho vay của khối ngân hàng nước ngoài đạt xấp xỉ 190 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 8,2% tổng dư nợ toàn hệ thống. So với tháng 3/2011, mức tăng trưởng trên của khối này trên gần 2% và tăng 14,7% so với 31/12/2010. Nếu so với mức tăng chung của toàn hệ thống ngân hàng có cùng thời điểm là 6,42% thì mức tăng tín dụng của khối ngân hàng nước ngoài đã vượt trên 2,2 lần. Nếu chia bình quân cho 4 tháng thì mỗi tháng, dư nợ tín dụng của khối này đã tăng 3,67%/tháng, rất cao so với tỷ lệ 1,6%/tháng của cả hệ thống.
Trước nguy cơ có thể vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng nước ngoài vốn được xem là uy tín và hoạt động tốt lại đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 20% với lý do là quy mô nhỏ, mức tăng của họ không ảnh hưởng đến thị trường
Các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước đề ra từ đầu năm nhưng mới đi chưa được nửa chặng đường, nhiều ngân hàng đã tiêu hết "vốn". Thậm chí, riêng với tín dụng phi sản xuất nhất là bất động sản và chứng khoán đã được khuyến cáo hạn chế cho vay từ mấy năm qua... nhưng các ngân hàng vẫn đẩy mạnh tăng trưởng và kết quả đến sát ngày phải đáp ứng chỉ tiêu thì lại kêu ca.
Thực tế hiện nay, được nhiều chuyên gia cho là hậu họa của một quá trình tăng trưởng tín dụng quá mạnh tay của các ngân hàng, của việc không tuân thủ các các chỉ tiêu và biện pháp điều hành của các ngân hàng. Bên canh đó, là sự dễ dàng chấp nhận của cơ quan quản lý. Đó như là một cái lỗi của hệ thống ngân hàng nên tình trạng đã lặp lại trong năm nay.
Khắc nghiệt để lành mạnh hóa
Tuy nhiên, lần này, Ngân hàng Nhà nước giữ thái độ rất kiên quyết và xử lý một cách mạnh tay.
Cụ thể, đối với tín dụng phi sản xuất, mặc dù thừa nhận một số ngân hàng đang gặp khó khăn nhưng Ngân hàng Nhà nước khẳng định, quy định giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất đã được ban hành từ đầu tháng 3, nên các ngân hàng có đủ thời gian để giảm dần dư nợ tín dụng phi sản xuất của mình vào cuối tháng 6.
Đối với các chỉ tiêu tín dụng tăng 20%, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cung trả lời trực tiếp các ngân hàng là kiên quyết không thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay. Điều này được xem như một cơ chế công bằng giữa các thành viên. Những trường hợp đã cận "room" trong thời gian tới sẽ buộc phải cơ cấu lại tín dụng hoặc phải cho vay ra nhỏ giọt. Thậm chí, đại diện Ngân hàng Nhà nước còn khẳng định, thực tế địa dư tăng trưởng chung của toàn ngành còn rất lớn, không thể vì cái khó của một vài ngân hàng mà thay đổi.
Vì thế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa tái khẳng định không nới thời hạn giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất; các ngân hàng vi phạm sẽ bị xử phạt tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc và không được mở rộng mạng lưới.
Còn đối với các Ngân hàng Nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện thái độ không đồng ý. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, chính sách phải công bằng và thực hiện như nhau. Các ngân hàng có quy mô khác nhau nhưng có chung một chỉ tiêu như các ngân hàng quy mô nhỏ khác. không phải vì nhỏ mà có thể vượt quá tỷ lệ Ngân hàng Nhà nước cho phép. Vì thế, Ngân hàng nước ngoài không phải là ngoại lệ.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tin dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng kế hoạch và duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế dưới 20% trong suốt cả năm 2011. Không chấp thuận đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng và thực hiện tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay.
Thái độ này hoàn toàn khác với những lần trước đây. Chúng ta nhớ, năm 2010, Chính Ngân hàng Nhà nước sau nhiều lần điều chỉnh tăng giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và cuối cùng là ở mức 25%. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn vươt ở mức trên 27%. Còn những năm trước đó như 2007 và 2009, các ngân hàng đều vượt rào rất cao nhưng hầu như không có đơn vị nào bị xử lý và nhắc nhở.
Thậm chí, chúng ta còn nhớ, cuộc tranh cãi về Thông tư 13 cuối năm ngoài, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đó là những quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn nhưng các ngân hàng lại kêu khó khăn và liên tục đề xuất và tìm cách tác động. Cuối cùng, dù nhiều lần nói không nhưng Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi theo hướng có lợi cho các tổ chức tín dụng.
Hay như chuyện tăng vốn, những lần trước, đã có những ngân hàng không đáp ứng kịp thời hạn đã được "làm thinh" cho qua; năm ngoái, khi hàng loạt ngân hàng không kịp tăng vốn thì thay vì bị xử lý lại được an toàn bằng một quyết định hoãn tăng vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Có lẽ chính sự dễ dàng thông cảm và chấp nhận của cơ quan quản lý đã tạo ra một lối mòn tiêu cực trong hành xử của các Ngân hàng Việt Nam. Và năm nay, khi tất cả đang dồn sức để đẩy mạnh siết chặt tiền tệ, chống lạm phát thì họ vẫn vì cái lợi của mình mà đề xuất xin "cơi nới".
Tuy nhiên, lần này, sự dễ dàng chấp nhận được thay bằng những quyết định mạnh mẽ, thậm chí sẽ chịu xử lý mạnh. Đó là đòn đau và có lẽ sẽ có những ngân hàng phải chấp nhận những đánh đổi để không bị "đánh đòn".
Khó khăn và suy giảm lợi nhuận và tất nhiên. Nhưng đó là điều cần thiết không chỉ vì mục tiêu phát triển và ổn định chung của cả đất nước. Mà trong đó cũng có những điều lợi cho các ngân hàng. Phải qua nhưng kỳ sát hạch như thế họ mới chiu nhìn nhận mình đúng hơn và hiểu hơn trách nhiệm của mình trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện này. Vượt qua khó khăn, thì chính họ cũng sẽ mạnh lên và hiệu quả hơn.
Nguồn tin: VEF