Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1865 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xử lý kiến nghị thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng thép.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, xét báo cáo đề nghị của Bộ Tài chính, ý kiến của Bộ Công Thương và Hiệp hội thép Việt Nam về việc rà soát các chính sách thuế xuất nhập khẩu để thúc đẩy phát triển ngành thép, trên cơ sở kết quả cuộc họp ngày 16/2/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ có ý kiến về việc này.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp Hiệp hội Thép Việt Nam, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng và công bố tiêu chuẩn quốc gia về xỉ luyện thép. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu mặt hàng xỉ luyện thép cho phù hợp.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Thép Việt Nam, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá kỹ vấn đề tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mã HS nghi ngờ lẩn tránh thuế tự vệ đối với thép cuộn nhập khẩu; báo cáo Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016.
Về thuế nhập khẩu MFN đối với tôn màu, các cơ quan vẫn sẽ thực hiện như theo quy định hiện hành.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2016, đã có 22 triệu tấn sắt thép được nhập về Việt Nam trong năm 2016, với tổng trị giá lên tới 10,4 tỷ USD, tăng tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 3,7 tỷ USD, kết quả là ngành thép đã nhập siêu tới 6,7 tỷ USD.
Trên thực tế, ngành sản xuất thép trong nước có khả năng đáp ứng tới một nửa nhu cầu của thị trường, song sắt thép trong nước vẫn liên tục phải cạnh tranh về giá với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam khiến các nhà sản xuất trong nước loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.
Việt Nam tiếp tục nhập khẩu thép chính từ Trung Quốc với khối lượng lên gần 10 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Nhật Bản với 2,4 triệu tấn, tăng 7%; Hàn Quốc đạt 1,69 triệu tấn, tăng 6,5%.
Năm 2016, ngành thép chịu sức ép lớn khi liên tục vướng vào các vụ kiện thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp từ các nước nhập khẩu.
Nguồn tin: Đầu tư