Mức thuế hiện tại với phôi thép là 17,3%, với thép dài là 10,9%. Biện pháp dự kiến sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 22/3/2020 nếu không gia hạn.
Ảnh minh họa.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 22/8/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2605/QĐ-BCT về việc rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu.Cục Phòng vệ thương mại cho biết, theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 96 Luật Quản lý ngoại thương, thời hạn rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ là không quá 06 tháng kể từ ngày có Quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 06 tháng.
Tất cả các tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan trong vụ việc có thể đăng ký với Cơ quan điều tra để trở thành Bên liên quan. Bên liên quan sẽ được tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình điều tra, gửi các ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến việc hàng hóa thuộc đối tượng rà soát.
Đơn đăng ký làm bên liên quan theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 2605/QĐ-BCT phải được gửi tới Cơ quan điều tra theo địa chỉ dưới đây trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày ban hành Quyết định rà soát, tức là đến ngày 19/9/2019.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị tất cả các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên đăng ký để làm bên liên quan để có thể bình luận, tiếp cận các thông tin, hồ sơ vụ việc để đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình.
Hàng hóa nhập khẩu tiến hành rà soát bao gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim và các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (bao gồm thép cuộn và thép thanh) nhập khẩu vào Việt Nam, có mã HS 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.10; 7213.10.90; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.
Trước đó, ngày 18/7/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam (mã vụ việc SG04).
Mức thuế hiện tại với phôi thép là 17,3%, với thép dài là 10,9%. Biện pháp dự kiến sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 22/3/2020 nếu không gia hạn.
Sau khi đăng thông báo công khai về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp, Bộ Công Thương nhận được Hồ sơ của 4 nhà sản xuất trong nước, bao gồm Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương; Công ty TNHH Một thành viên Thép Miền Nam – VnSteel; Công ty CP Thép Vicasa – VnSteel và Công ty CP Thép Thủ Đức – VnSteel.
Nguồn tin: Cafef