Sản xuất thép cuộn trong nhà máy Taiyuan tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. |
- Tập đoàn Vale SA, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, đang chống lại yêu cầu giảm giá bán quặng sắt mà Trung Quốc đòi hỏi vì ngành công nghiệp sắt thép đang hồi phục mạnh mẽ sau vụ suy thoái trầm trọng nhất của kinh tế thế giới.
Tháng trước, tập đoàn Vale SA có trụ sở tại Brazil đã đạt được thỏa thuận với các khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu về khung giá quặng sắt năm nay, theo đó giá hợp đồng sẽ giảm 28% so với mức giá năm ngoái - đây là lần giảm giá đầu tiên của Vale SA trong bảy năm qua.
Cùng lúc này tập đoàn Rio Tinto và BHP Billiton (liên doanh Anh-Úc) cũng đồng ý giảm giá 33% so với giá năm ngoái. Tuy nhiên khách hàng Trung Quốc không chấp nhận mức này mà yêu cầu được giảm giá tới 45%. Vale SA - cũng như hai nhà sản xuất quặng sắt thứ hai và thứ ba thế giới là Rio Tinto và BHP Billiton - đã bác bỏ yêu cầu này và cuộc đàm phán với Trung Quốc không có kết quả.
Nếu không thỏa thuận được giá quặng theo hợp đồng thường niên với ba nhà cung cấp nói trên, các công ty thép Trung Quốc phải mua quặng sắt “giao ngay” (spot) theo giá thị trường tự do (open market). Từ khi khung giá quặng sắt năm nay được ấn định cuối tháng trước, giá quặng sắt trên thị trường tự do đã tăng thêm 19%, làm suy yếu thêm khả năng đàm phán của Trung Quốc.
Kết thúc đợt đàm phán năm nay ngày 25-6 vừa qua, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Vale SA, ông Roger Agnelli, nói rằng Vale SA sẽ không giảm giá thêm nữa cho các khách hàng Trung Quốc cho dù cuộc đàm phán năm nay kéo dài và gay cấn hơn tất cả các cuộc đàm phán trước.
Vụ Trung Quốc bắt giữ các cán bộ quản lý phụ trách giá quặng sắt của tập đoàn Rio Tinto, làm rạn nứt quan hệ giữa Trung Quốc và Úc, chẳng những không làm Vale SA nao núng mà còn đem lại lợi ích cho tập đoàn vì hiện giờ Trung Quốc chỉ còn “một cửa” để đàm phán là Vale SA của Brazil.
“Khả năng các công ty thép Trung Quốc giành được khoản giảm giá lớn hơn là gần như không thể xảy ra. Người Trung Quốc hoặc phải đồng ý với mức giá đã được xác lập, hoặc phải mua quặng sắt trên thị trường giao ngay”, ông Paul Cliff, nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Nomura ở London, nhận định.
Theo Hiệp hội Thép thế giới, sản lượng thép của Trung Quốc, chiếm một nửa của thế giới, đã tăng 1,2% trong nửa đầu năm nay. Dự báo năm nay sản lượng thép của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 5%, một phần do tác động của gói kích cầu trị giá 585 tỉ đô la mà chính phủ nước này đổ vào các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở. Để khôi phục sản lượng của ngành thép - mà hiện nay nhiều nhà máy chỉ hoạt động một nửa công suất do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu - Trung Quốc cần mua rất nhiều quặng sắt.
Trong quí 1 năm nay, Trung Quốc đã mua 66,5% tổng sản lượng quặng sắt của Vale SA, tăng gấp đôi so với mức 32% hồi năm ngoái. Theo báo Australian Financial Review ngày 16-7, sau khi bắt giam cán bộ của Rio Tinto ngày 5-7 vừa qua, Trung Quốc đã nối lại thương lượng về giá quặng sắt với tập đoàn Vale SA nhưng nội dung cuộc đàm phán chưa được tiết lộ. Hãng tin Reuters dẫn số liệu của công ty tàu biển AXSMarine cho biết, số tàu chở quặng sắt giao ngay từ Brazil đi Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 7, trong khi số tàu từ Úc thì giảm xuống.
Giá quặng sắt giao ngay đã tăng mạnh từ sau tuyên bố ngày 25-6 của ông Agnelli, hiện ở mức 95 đô la Mỹ/tấn, cao hơn 19% so với mức giá hợp đồng đã ấn định cho năm nay. “Vale SA đủ mạnh để chống lại đòi hỏi phải nhượng bộ của Trung Quốc”, ông Robert Meyer, Phó chủ tịch Research & Counsulting Group của Đức, nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 22-7.
Theo dự báo của Công ty tư vấn McKinsey, lượng quặng sắt mà Trung Quốc nhập khẩu đã tăng 29% trong nửa đầu năm nay và sẽ vượt mức bình quân 50 triệu tấn/tháng cho đến cuối năm 2009, đẩy lượng quặng sắt chuyên chở bằng đường biển năm nay lên 880 triệu tấn. Nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc chính là yếu tố quan trọng giữ cho giá quặng sắt trên thị trường thế giới luôn ở mức cao.
Và “giá quặng sắt giao ngay sẽ còn tăng lên nữa vì các thị trường khác ngoài Trung Quốc cũng đang bắt đầu hồi phục”, ông Gilberto Cardoso, nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Banif ở thủ đô Rio của Brazil, nhận định. Còn theo các nhà phân tích của Công ty Tài chính Barclays (Anh) thì, “công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế đang phát triển sẽ là nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng nhu cầu sắt thép trong nhiều năm tới”.
Báo New York Times số ra đầu tuần này nhận định việc Trung Quốc không chấp nhận giá quặng sắt đã được thỏa thuận giữa các nhà cung cấp và các khách hàng lớn khác, cũng như việc bắt giữ các cán bộ quản lý của tập đoàn Rio Tinto thể hiện ý đồ chứng tỏ Trung Quốc mới là người có quyền “làm giá” sắt thép. Tuy nhiên, những diễn biến thị trường cho tới lúc này cho thấy ý đồ đó đã bị phản tác dụng.