Thành công từ tư duy đổi mới
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Quyết định 7896/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ra đời là bước đi đúng đắn, nhằm bảo vệ sản xuất thép trong nước, đây là việc làm không xa lạ khi các nước khác thường xuyên áp dụng biện pháp này và đã áp dụng từ rất lâu. Việc Bộ Công Thương đưa ra biện pháp chống bán phá giá đều phải dựa theo luật của các hiệp định thương mại song phương mà Việt Nam chuẩn bị ký kết với các nước. Những quy định mà không vi phạm cam kết Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì Việt Nam vẫn có thể áp dụng để bảo vệ doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước. "Khi sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu thực hiện đúng luật quốc tế thì không có gì đáng ngại"- ông Sưa nói.
Chia sẻ vấn đề trên, ông Đỗ Duy Thái- Tổng giám đốc Thép Việt kiêm Phó Chủ tịch VSA phía Nam- cho rằng: Việc Bộ Công Thương ban hành quyết định nói trên là bước đi rất đúng hướng, đây là một “tư duy đổi mới” để bảo vệ sản xuất trong nước mà các DN đã mong mỏi từ bấy lâu, nhưng tới nay mới có được "hàng rào" này, từ đó sẽ tạo được lợi thế cho sản phẩm trong nước thành công bước đầu.
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Một chứng minh cho thấy, tại khu vực Đông Nam Á và cả trên toàn thế giới, bất cứ mặt hàng nào được nhập khẩu nhiều vào một thị trường thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước của nước đó. Khi đó, ngay lập tức họ sẽ đưa ra biện pháp chống bán phá giá nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu. Đặc biệt, thủ tục xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á cũng rất khó khăn và rườm rà. Đơn cử, thủ tục xuất khẩu phải kiểm định chất lượng sản phẩm kéo dài 45 đến 60 ngày mới hy vọng được hưởng thuế suất, đây là quãng thời gian quá dài nên tới khi cơ quan nhà nước của các nước Đông Nam triển khai xong thủ tục thì số thuế suất DN được hưởng cũng không thể bù đắp cho việc chi phí đi lại, lưu kho…
Ông Đỗ Duy Thái cho biết, tất cả các chuyên gia của Hiệp hội Thép ASEAN có quan điểm: Không phải việc đưa ra các biện pháp chống bán phá giá là đi đấu tranh với bên ngoài để được hưởng thuế suất mà điều quan trọng hơn cả chính là “rào cản” để bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước.
Một bài học từ Mỹ cho thấy, Mỹ là nước được đánh giá tự do về mậu dịch, nhưng chính họ vẫn phải bảo vệ thị trường trong nước bằng các biện pháp chống bán phá giá. Đặc biệt, Mỹ coi việc bảo vệ thị trường trong nước quan trọng hơn việc xuất khẩu, chính việc làm này đem đến thành công cho nước Mỹ.
Ông Thái cho rằng, để ngành công nghiệp thép Việt Nam thành công thì điều đầu tiên và quan trọng hơn cả trong lúc này là vai trò của Nhà nước bảo vệ các DN bằng các biện pháp chống bán phá giá, các hàng rào kỹ thuật khác…, mặc dù biện pháp này có thể bị hệ lụy nhưng sẽ không lớn. "Điều quan trọng là giá thành sản phẩm thép Việt Nam có đáp ứng chất lượng và cạnh tranh được với giá thế giới không"- ông Thái nói.
Theo tính toán của Hiệp hội Thép VN, từ đầu năm 2014 tới nay thép cuộn chứa Bo của Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam tăng lên tới khoảng trên 500 ngàn tấn được trà trộn bán với giá rẻ, khiến cho thị trường thép xây dựng trong nước đang rất khó khăn về tiêu thụ, bởi cung vượt cầu quá nhiều. Do đó, các DN sản xuất thép trong nước đang rất mong chờ Bộ Công Thương tiếp tục triển khai, đưa ra hàng rào kỹ thuật chặt chẽ. Nếu xử lý được việc này mới đảm bảo cạnh tranh công bằng, tạo điều kiện cho sản phẩm thép xây dựng trong nước phát triển trở lại.
Nguồn tin: Công thương